Ở người cao tuổi (NCT), mọi hoạt động sinh lý trong cơ thể đều có sự thay đổi. Từ những biểu hiện đơn giản bên ngoài như da, tóc, móng…
Ở người cao tuổi (NCT), mọi hoạt động sinh lý trong cơ thể đều có sự thay đổi. Từ những biểu hiện đơn giản bên ngoài như da, tóc, móng… đến các hoạt động bên trong của các bộ máy hô hấp, tim mạch, tiêu hóa… Chính vì lẽ đó, chế độ dinh dưỡng cho NCT cũng cần có sự thay đổi sao cho phù hợp.
NCT cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt
Vì mọi chức năng hoạt động của các bộ máy trong cơ thể của NCT đều có sự thay đổi. Những thay đổi đó xảy ra trên hầu hết các cơ quan của bộ máy tiêu hóa và kéo theo sự suy giảm công năng của chúng.
Nên bổ sung vitamin từ các loại hoa quả tươi.
Cùng với hiện tượng teo nhu mô là sự thoái hóa mỡ ở gan, chức năng gan giảm dần, đặc biệt là khả năng chuyển hóa protein, giải độc, tái tạo tế bào gan bị suy giảm rất nhiều. Cùng đó là sự giảm đàn hồi của thành túi mật và ống dẫn mật, cơ túi mật bắt đầu teo, thể tích túi mật giảm. Ngoài ra, còn có hiện tượng giảm dịch tiết của hệ tiêu hóa bao gồm nước bọt, dịch vị, dịch ruột, dịch tụy và dịch mật. Dịch vị do niêm mạc dạ dày bài tiết, ở giai đoạn lão hóa, lượng dịch vị giảm do sự teo đét của niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó, do sự suy giảm chức năng của tuyến tụy ngoại tiết làm giảm lượng dịch tụy bài tiết vào ruột non. Từ tuổi 60 trở đi, hoạt tính của các men tiêu hóa do tụy bài tiết giảm từ 2 đến 2,5 lần so với người trẻ.
Tất cả những yếu tố trên đều góp phần làm giảm quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng trong thức ăn ở NCT. Đồng thời cũng kéo theo các triệu chứng khác như ăn không ngon miệng, khó tiêu hoặc các vấn đề hay gặp khác như táo bón, rối loạn tiêu hóa…
Bên cạnh những thay đổi sinh lý trong chức năng hoạt động của bộ máy tiêu hóa, NCT thường có lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể chất cần thiết để tiêu hao nhiều năng lượng nên cảm giác đói hay thèm ăn thường ít xuất hiện. Các yếu tố khác như hàm răng yếu, nhai cắn thức ăn khó khăn; vị giác suy giảm… cũng là những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến nhu cầu ăn uống của NCT. Chính vì thế, NCT cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, đảm bảo phù hợp với hoạt động sinh lý của cơ thể cũng như để đảm bảo sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.
Chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý?
Việc đầu tiên cần làm đó là thay đổi khẩu phần ăn và lượng chất dinh dưỡng đưa vào sao cho đảm bảo phù hợp với hệ tiêu hóa NCT cũng như mức tiêu hao năng lượng hàng ngày của NCT. Nguồn năng lượng đầu tiên cần được thay đổi đó là cơm. Khi còn trẻ, một bữa có thể ăn tới 3-4 bát cơm, nhưng NCT chỉ cần 1 đến 2 bát là cùng trong 1 bữa ăn. Tương tự như vậy đối với các loại thực phẩm khác. Nhu cầu về calo, protein, mỡ và chất xơ ở người 70 tuổi không khác nhiều so với nhóm người trẻ tuổi. Nhưng ở những NCT dư thừa trọng lượng cần giảm lượng calo đầu vào, đa dạng hóa nguồn thức ăn để đảm bảo đủ protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất các loại.
Chất đạm: cần đảm bảo tốt về chất đạm, chủ yếu chất đạm từ các loại thực phẩm như: đậu, lạc, vừng… Các thức ăn từ thực vật này vừa có nhiều chất đạm, lại vừa có nhiều chất dầu, trong đó có các loại acid béo không no có tác dụng phòng chống tăng cholesteron máu. Đặc biệt là các món ăn có nguồn gốc từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành… có tác dụng phòng chống bệnh ung thư và bệnh tim mạch là 2 căn bệnh có tỷ lệ mắc rất cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở NCT.
Giảm ăn thịt vì thịt trong quá trình tiêu hóa dễ sinh các độc chất, nếu táo bón, các độc chất này không được thoát ra ngoài mà hấp thu ngược vào cơ thể gây có hại cho sức khỏe. Chỉ nên ăn ít thịt nạc, hạn chế hoặc bỏ hẳn thịt mỡ. Cá cũng là một loại thực phẩm rất tốt, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của NCT vì vừa dễ tiêu và lại nhiều acid béo, tốt trong việc giảm thiểu các nguy cơ về tim mạch.
Chất xơ và vitamin: nhóm chất này có trong các loại rau củ xanh và hoa quả tươi, đặc biệt cần thiết đối với cơ thể NCT, vì vậy trong bữa ăn hàng ngày cần phải chú ý đến khẩu phần ăn giàu chất xơ và chứa nhiều vitamin. Ngoài tác dụng giúp phòng chống táo bón rất tốt, chất xơ còn có tác dụng như một chiếc chổi giúp quét các chất bổ béo bị dư thừa trong cơ thể ra ngoài, làm giảm lượng cholesteron trong máu, giảm tỷ lệ mắc bệnh xơ vữa thành mạch. Về chất xơ nên ăn tối thiểu 25g/ngày và tăng lên nếu mắc bệnh táo bón.
Ngoài việc bổ sung vitamin qua các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả tươi… NCT còn có thể bổ sung các vitamin dưới dạng dược phẩm như các vitamin nhóm B, các vitamin có tác dụng chống lão hóa như vitamin A, C, E. Tuy nhiên, việc sử dụng cần phải có sự tư vấn kỹ càng của các bác sĩ trước khi sử dụng.
Sữa là loại thực phẩm tốt với người cao tuổi .
Sữa: cũng là một loại thực phẩm tốt nên được sử dụng cho NCT. Ngoài việc giúp đề phòng và giảm tỷ lệ mắc bệnh loãng xương, việc uống sữa hàng ngày cũng giúp cung cấp một số lượng các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, do đặc thù của bộ máy tiêu hóa, những NCT cũng không nên uống quá nhiều sữa để tránh những trường hợp rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra. Tốt nhất là nên uống ngày 1 -2 cốc và chia thành nhiều lần trong ngày, mỗi lần 100 -200ml.
Nước: đối với NCT cần thường xuyên bổ sung nước hàng ngày một cách đầy đủ, trung bình từ 1,5- 2,5 lít/ ngày. Lý do về việc nhắc nhở điều này vì ở người cao tuổi, cảm giác khát nước ở họ thường giảm đi nên họ thường uống ít nước hơn so nhu cầu cần thực sự của cơ thể, điều này có ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.
Do đặc điểm của tuổi già với một loạt sự suy giảm chức năng của tất cả các bộ máy hoạt động trong cơ thể, nên một chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với sinh lý sức khỏe của người cao tuổi sẽ giúp họ có thể đảm bảo sức khỏe đồng thời hạn chế được sự xuất hiện của bệnh tật. NCT không nên ăn quá no, hạn chế ăn mặn, hạn chế hoặc bỏ hẳn các đồ như bia rượu, thuốc lá. Nên chọn thực phẩm đa dạng chứ không nên theo sở thích mà thường xuyên chỉ ăn một loại thức ăn. Và quan trọng hơn cả là nên có sự tư vấn dinh dưỡng hợp lý từ các bác sĩ, không nên tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng hoặc bổ sung thuốc theo kiểu truyền tai nhau để nâng cao sức khỏe. Đôi khi, đó lại là những cách mang tác hại xấu đến cho sức khỏe của những người cao tuổi!
BS.Vũ Hữu Dũng
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.