Một bệnh nhân đa chấn thương nguy kịch: dập vỡ phổi kèm chấn thương sọ não đã được các bác sĩ bệnh viện (BV) Việt Đức phẫu thuật tối khẩn cấp cứu sống.
Một bệnh nhân đa chấn thương nguy kịch: dập vỡ phổi kèm chấn thương sọ não đã được các bác sĩ bệnh viện (BV) Việt Đức phẫu thuật tối khẩn cấp cứu sống. Hai ca mổ cấp cứu liên tiếp diễn ra trong đêm trong khi không thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán.
Đêm trắng người thầy thuốc
Bệnh nhân Nguyễn Văn Q., 35 tuổi (Hà Nội) nhập viện tối ngày 12/04/2015 sau một tai nạn giao thông tự ngã không rõ hoàn cảnh. Nạn nhân được người đi đường phát hiện, thông báo cho người nhà rồi chuyển ngay tới BV Việt Đức. ThS.BS. Vũ Ngọc Tú, Khoa Phẫu thuật tim mạch – lồng ngực BV Việt Đức đang buổi trực ngày hôm đó nhớ lại: bệnh nhân trong tình trạng vật vã, kích thích, xây sát nhẹ ở ngực và vùng đầu, không thấy có vết thương hay chấn thương gì lớn. Tuy nhiên bệnh nhân hết sức khó thở, nghe phổi trái thấy rất kém, huyết áp tụt rất thấp, da nhợt, các bác sĩ nghĩ tới chấn thương ngực bên trái. Vì tình trạng nguy kịch của người bệnh lúc đó nên việc chẩn đoán hết sức khẩn trương, phương tiện duy nhất sẵn có để thực hiện là chiếc ống nghe và kinh nghiệm của bác sĩ. Tiến hành đặt dẫn lưu ngực trái cho bệnh nhân thấy ra khoảng 1,5 lít máu đỏ tươi và vẫn tiếp tục ra thêm, bệnh nhân có cải thiện đôi chút nhưng lại tiếp tục xấu đi. “Đại đa phần chấn thương ngực khi đặt ống dẫn lưu – một thủ thuật can thiệp – chỉ ra khoảng vài trăm ml máu, hoặc cùng lắm đến 1 lít máu là ngưng. Trường hợp này ra quá nhiều máu chứng tỏ tổn thương rất nặng, dập vỡ tạng trong lồng ngực”, ThS.BS. Vũ Ngọc Tú giải thích.
Phim chụp sọ não có máu tụ vùng thái dương lớn.
Không chút chần chừ, bác sĩ Tú quyết định đưa thẳng bệnh nhân vào phòng mổ, mở ngực cấp cứu. Các xét nghiệm cần thiết được tiến hành song song. Trong khoang ngực có khoảng 2 lít máu và máu cục nữa. Khoảng một nửa thùy trên phổi trái vỡ nát, nhiều mạch máu phun tia. Kíp phẫu thuật do ThS.BS. Tú làm trưởng nhóm cắt hết phần phổi tổn thương, khâu cầm máu kĩ. Trong quá trình mổ có những lúc huyết áp bệnh nhân tụt rất thấp, đe dọa tử vong bất cứ lúc nào. Kíp gây mê hồi sức của ThS.BS. Nguyễn Bá Tuân liên tục truyền máu (tổng số 2 lít máu truyền) và hồi sức cho BN. Ca mổ diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ căng thẳng, cân não phẫu thuật viên khi mà tính mạng bệnh nhân có những lúc tưởng chừng ngàn cân treo sợi tóc.
Sau mổ mạch, huyết áp của bệnh nhân được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên bệnh nhân không thấy tỉnh, đồng tử một bên giãn, các bác sĩ nghĩ đến có chấn thương sọ não. Một cuộc hội chẩn nhanh chóng diễn giữa các bác sĩ phẫu thuật lồng ngực, hồi sức tích cực và phẫu thuật sọ não. Bệnh nhân lại được chuyển từ phòng mổ mang theo toàn bộ hệ thống máy móc hồi sức đi chụp phim cắt lớp vi tính, phát hiện có máu tụ lớn vùng thái dương trái. Ca phẫu thuật sọ não lại nhanh chóng triển khai do ThS.BS. Đoàn Quang Dũng làm trưởng kíp tiến hành mổ lấy máu tụ và mở hộp sọ. Thêm 3 tiếng đồng hồ căng thẳng nữa. 2 giờ sáng, khi bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức, tình trạng tương đối ổn định, các bác sĩ mới kịp có bữa tối của mình.
Phim Xquang ngực BN Q. sau khi ra viện 1,5 tháng (ảnh BV cung cấp).
Một “team work” hoàn hảo
Chỉ có thể thốt lên như vậy khi nói về đội ngũ bác sĩ chuyên sâu với cách làm việc chuyên nghiệp của các bác sĩ BV Việt Đức. Phát hiện và thực hiện kịp thời hai phẫu thuật cấp cứu nặng liên tiếp nhau trên cùng một bệnh nhân trong điều kiện tối cấp cứu, không có phương tiện chụp chiếu hỗ trợ thể hiện trình độ chuyên môn cao, sự theo dõi bệnh nhân hết sức sát sao của đội ngũ nhân viên y tế cũng như sự hợp tác đa chuyên khoa rất hiệu quả. ThS.BS. Vũ Ngọc Tú cho biết, làm việc ở một BV ngoại khoa đầu ngành như Việt Đức khiến anh luôn phải đối mặt với những ca cấp cứu nặng. Riêng với tổn thương vỡ, dập nát phổi thì đại đa số bệnh nhân đã tử vong trước khi đến viện. Bệnh nhân này còn có tổn thương nặng ở sọ não nên nguy cơ tử vong còn cao hơn nhiều. “Với tinh thần phục vụ bệnh nhân cao nhất cộng với sự nỗ lực của các ê kíp nên chúng tôi đã cứu sống được bệnh nhân” – BS. Tú nói, chân thành và giản dị.
Q. hồi phục dần và xuất viện sau 3 tuần. Đến khám kiểm tra sau 1,5 tháng, Q. đã hồi phục gần như hoàn toàn, đi lại, ăn uống tốt tuy chân tay cử động vẫn còn yếu do di chứng của chấn thương sọ não. Một tháng sau Q. đã được phẫu thuật lần nữa để đặt lại nắp sọ và đã dần ổn định để trở lại cuộc sống bình thường.
Mai Linh
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.