Ý thức được nguy cơ và mức độ nguy hiểm nếu dịch bệnh thâm nhập trường học, các cơ sở mầm non luôn chủ động trong công tác phòng tránh.
Nhà trường chủ động
Một trong những hoạt động được quan tâm trong mùa dịch là ghi sổ nhật ký lớp của giáo viên. Bất cứ học sinh nào xin nghỉ học đều được ghi lại rõ lý do, đề phòng nếu trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm thì nhà trường thực hiện ngay phương án phối hợp dập dịch, giảm thiểu sự lây lan.
Sởi được khuyến cáo là “không phân biệt lứa tuổi”. Bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi.
Đối tượng mắc sởi nhiều nhất thường rơi vào trẻ em mẫu giáo.
Cô Nguyễn Bích Huyền – Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân La (Hà Nội) – cho biết: Phòng tránh dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là hoạt động thường xuyên của mỗi trường mầm non.
Ngay từ đầu năm học, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Phòng GD&ĐT quận, nhà trường đã tích cực triển khai tối đa các phương án phòng dịch.
Khi “mùa dịch” đến, tất cả đều trong tư thế sẵn sàng nên nhà trường hoàn toàn chủ động trong khâu xử trí. Nhân viên y tế của trường được trang bị đầy đủ kiến thức, nắm bắt các thông tin chung để phổ biến cho các cán bộ, giáo viên trong trường, cùng phối hợp thực hiện công tác vệ sinh, tiệt trùng dụng cụ, đồ chơi.
Bên cạnh đó, các giáo viên chủ động bám sát tình trạng của trẻ, trao đổi kịp thời với phụ huynh để hạn chế tối đa sự lây lan bệnh.
Nhờ chủ động cảnh giác với dịch bệnh, đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp học sinh nào phải nghỉ học do mắc sởi. Đó là thành quả của những nỗ lực, sự chủ động của cơ sở và thái độ đói với tình hống bệnh dịch giả định được nhà trường đặt ra.
Còn cô Vũ Thị Thanh Hà – Hiệu trưởng trường Mầm non Chu Văn An (Hà Nội) – cho biết: Với bệnh dịch, nguyên tắc bất di bất dịch là “phòng hơn chống”. Hiện nay, nhà trường vẫn đều đặn đón hơn 90% trẻ đến trường và chưa có trường hợp trẻ nghỉ học do mắc sởi.
Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế quận, Trbieety tế phường, nhà trường chủ động tuyên truyền phòng dịch đến các bậc phụ huynh học sinh.
Kiểm tra chuyên môn, vệ sinh, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ được tăng cường sát sao. Học sinh được khám sức khỏe định kỳ và nhận lời khuyên để tăng cường miễn dịch.
Lời khuyên của bác sĩ
Theo TS, Bác sĩ Tôn Nữ Vân Anh (Khoa Nhi, Bệnh viện T.Ư Huế), cần phân biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi để theo dõi và chăm sóc trẻ mắc sởi.
Nhận biết đúng bệnh là cơ sở để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra. Nhiều cha mẹ do không phân biệt được sởi và sốt phát ban đã dẫn đến những sai lầm đáng tiếc khi chăm con.
Điều lưu ý phụ huynh, hai bệnh đều giống nhau ở thời điểm ủ bệnh. Giai đoạn này, sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39oC), xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.
Tuy nhiên, sau đó, ở giai đoạn phát ban, nếu là phát ban thông thường, thì chỉ là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.
Phát ban do sởi lại có những đặc trưng như: Lúc đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da. Đặc biệt trẻ bị nhiễm sởi thường có một trong 3 triệu chứng đặc trưng đi kèm đó là triệu chứng chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.
Sự nguy hiểm của bệnh sởi dễ xảy ra với những biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản và viêm não, nhiều khi dẫn đến tử vong.
Trẻ em là đối tượng nhiễm bệnh dễ dàng và có thể xuất hiện những biến chứng nặng nề. Hầu hết trường hợp tử vong khi bị bệnh sởi thường không do virus sởi gây ra mà do những biến chứng từ quá trình bội nhiễm.
Sốt phát ban do nhóm siêu vi thông thường hầu hết đều là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý về chế độ dinh dưỡng và cách giữ gìn vệ sinh thân thể thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không gây nên bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.
Đối với những trường hợp mắc sởi nhẹ không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà. Người bệnh cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ ngơi, khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt, ăn thức ăn mềm, hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang.
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc đông y cho con, nếu dùng thuốc kháng sinh thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều… thì lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm.
Cũng theo Bác sĩ Tôn Nữ vân Anh, trẻ em mắc sởi không nên đến trường cho tới sau khi ban sởi bắt đầu xuất hiện tối thiểu 5 ngày. Vì sởi có thể lây truyền từ người mắc bệnh trong vòng 4 ngày trước khi bắt đầu phát ban cho tới 4 ngày sau khi phát ban. Dịch sởi có thể bùng phát làm nhiều người tử vong, đặc biệt là giới trẻ, trẻ em suy dinh dưỡng.
Cảnh báo: “Đã có những thay đổi ở virus gây sởi trong mùa dịch này. Đặc biệt là tình trạng virút tấn công thẳng vào phổi, làm phổi trẻ mờ trắng chỉ một ngày sau khi vào viện, trẻ suy hô hấp nhanh phải hỗ trợ thở oxy hoặc thở máy. Trong khi thông thường các biến chứng viêm phổi, tiêu chảy… chỉ xuất hiện khi ban sởi đã bay hết”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai)
Chưa có bình luận.