Trong những năm gần đây, bệnh sốt xuất huyết Dengue có xu hướng xuất hiện nhiều vào mùa hè, vì vậy cần cảnh giác để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống để không mắc bệnh…
Đặc điểm bệnh và những biến đổi
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh gây nên do nhiễm loại virus Dengue với tình trạng cấp tính, bệnh do hai loài muỗi chủ yếu là Aedes aegypti và Aedes albopictus truyền và có thể tạo thành dịch lớn… Tác nhân gây bệnh được xác định do bệnh nhân bị nhiễm loại virus Dengue thuộc nhóm Flavivirus. Mặc dù là một bệnh lây nhiễm nhưng đặc điểm của bệnh là không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt máu người bệnh có mang virus, rồi sau đó truyền virus sang cho người lành qua vết đốt máu. Ở nước ta đều có mặt hai loài muỗi chủ yếu truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue nhưng quan trọng nhất vẫn là muỗi Aedes aegypti thường được gọi là muỗi vằn.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue có mật độ hoạt động gia tăng vào mùa hè để truyền bệnh.
Tại nước ta, có thể nói sốt xuất huyết là bệnh dịch lưu hành địa phương, phổ biến là ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ và vùng ven biển miền Trung. Theo quy luật, bệnh sốt xuất huyết Dengue tại nước ta thường xuất hiện vào đầu mùa mưa và phát triển mạnh từ tháng 7 đến tháng 10 nhưng hiện nay do sự biến đổi khí hậu nên quy luật này cũng có thể thay đổi, bệnh lại xuất hiện và lưu hành vào mùa hè bắt đầu từ tháng 5. Đây là vấn đề cần được quan tâm để thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh một cách phù hợp với sự biến đổi không theo quy luật dịch bệnh như trước nữa.
Trong mùa hè nắng nóng, các cơn mưa giông bất chợt thường tạo nên những thủy vực mới cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi, nảy nở ngoài những chỗ truyền thống bình thường. Theo đó mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh cũng gia tăng để đảm nhận vai trò truyền bệnh làm cho dịch bệnh bùng phát từ mầm bệnh virus có sẵn tại địa phương. Bên cạnh đó ở một số nơi, đặc biệt là tại miền Trung do thời tiết quá nắng nóng nên người dân thường lắp đặt hệ thống phun nước thành giọt sương nhỏ bay phủ trên các mái nhà lợp bằng tôn để giải nhiệt. Nước đọng lại ở các chỗ trũng thấp và máng dẫn bị bít tắc cũng sẽ tạo nên những nơi cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng. Đồng thời người dân cũng thường sử dụng các thùng chứa nước bơm nước từ dưới lên cao để dùng qua ống dẫn; nếu thùng chứa nước không có nắp đậy kín thì muỗi truyền bệnh vẫn có thể bay vào đó để đẻ trứng.
Phun thuốc diệt muỗi trong và ngoài nhà chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết.
Cần chủ động phòng chống
Cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy biện pháp tăng cường các hoạt động diệt trung gian truyền bệnh, đặc biệt diệt bọ gậy và loăng quoăng của muỗi truyền bệnh với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng chống sốt xuất huyết Dengue. Để phòng chống dịch bệnh đạt được kết quả tốt, khẩu hiệu hành động “không có bọ gậy, không có loăng quoăng, không có sốt xuất huyết” phải thực sự đi vào cuộc sống.
BS. Nguyễn Võ Hinh
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.