Thứ Sáu, 30/06/2017 | 05:55

Viêm não Nhật Bản là bệnh lý nguy hiểm gây ra những biến chứng nghiêm trọng về thần kinh và tâm thần nặng.

Di chứng thường xảy ra sau 2-3 tuần mắc bệnh

Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ chiếm khoảng 25-35% các ca mắc. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây qua đường máu do muỗi là vật trung gian mang virus lây sang người. Loại muỗi này thường sinh sống ở cánh đồng, khi trời chập choạng tối muỗi bay vào đốt súc vật. Nếu chuồng gia súc ở cạnh nhà hoặc trẻ chơi quanh bụi rậm, chuồng gia súc sẽ bị muỗi đốt. Loại muỗi mang virus viêm não Nhật bản thường sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7) có mật độ cao ở đồng bằng và trung du.

Đây là thời điểm di chứng thần kinh có thể xảy ra với trẻ mắc viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng thần kinh rất nặng nề.

Bác sĩ Phạm Thị Vân Anh, Khoa Thần kinh (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, virus viêm não Nhật Bản có thể gây ra cho trẻ rất nhiều các di chứng thần kinh và tâm thần nặng. Một số di chứng có thể kể tới như, hôn mê, thở máy, sống thực vật, động kinh, tâm thần, liệt nửa người, liệt tứ chi, liệt hai chi dưới, rối loạn vận động khó điều trị. Những bệnh nhân viêm não Nhật Bản sau khi phục hồi thường bị chậm phát triển tinh thần và vận động nặng, không có khả năng tự phục vụ được bản thân.

“Di chứng thần kinh thường diễn ra sau thời gian hôn mê kéo dài, co giật kéo dài, rối loạn kéo dài,… ở tuần 2-3 khi bệnh toàn phát, bệnh nhi có di chứng sẽ được điều trị các triệu chứng. Ví dụ, nếu có động kinh sẽ được dùng thuốc chống động kinh. Điều trị rối loạn vận động bằng các thuốc chống rối loạn vận động, chữa các rối loạn tâm thần bằng thuốc tâm thần… Trong quá trình điều trị cho trẻ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Do bệnh nhân không thể tự chăm sóc cho bản thân nên cần có sự giám sát chặt chẽ, chăm sóc bằng cho ăn, cho uống của người nhà”, bác sĩ Vân Anh nói.

Bệnh dễ bị mắc do không tiêm phòng đủ mũi vắc xin

Tháng 5 đến tháng 9 là thời điểm trẻ dễ bị mắc bệnh viêm não Nhật Bản rất cao do muỗi gây bệnh phát triển. Tại bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 6 tới nay đã có 21 ca nhập viện vì bệnh viêm não Nhật Bản. Các trường hợp trẻ bị mắc thường là do tiêm phòng chưa đủ mũi hoặc không được tiêm phòng.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), khi bị muỗi mang virus đốt, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 5-14 ngày. Bệnh nhi thường có triệu chứng sốt cao đột ngột 39 độ C hoặc cao hơn. Có thể bệnh nhân sẽ kèm theo triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn, mất ý thức… Trẻ nhũ nhi ngoài sốt cao có thể thấy đi ngoài phân lỏng, đau bụng, nôn.

“Bệnh ở giai đoạn toàn phát triệu chứng không giảm. Thời kỳ này diễn biến bệnh ngắn, bệnh nhân dễ rơi vào hôn mê sâu, rối loạn các chức năng sống. Nếu bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn”, bác sĩ Lâm nói.

Bệnh viêm não Nhật Bản sẽ đỡ khi bước sang tuần thứ 2 của bệnh (thời kỳ lui bệnh). Vào ngày thứ 10, nhiệt độ bệnh nhân sẽ trở lại bình thường nếu không có bội nhiễm khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh, không còn những cơn co cứng, bệnh nhân hết nôn và đau đầu.

Bác sĩ Lâm chia sẻ, bệnh nhi có thể xuất hiện biến chứng sớm viêm phế quản, viêm phổi do bội nhiễm hoặc viêm bể thận, loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng. Di chứng sớm có thề gặp liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần, vận động.

Di chứng muộn gặp ở cuối tuần thứ 2 trở đi như, động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn thâm thần… Bác sĩ Lâm khuyến cáo, tiêm chủng đầy đủ là cách tốt nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngủ bỏ màn…

Ngọc Minh

 

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook