Thứ Sáu, 14/02/2025 | 11:25

Sau Tết nguyên đán, các tỉnh phía Bắc thời tiết se lạnh, nhiều sương mù, đây cũng là thời điểm các căn bệnh về cúm gia tăng, trong đó cúm A H7N9 gây ho, đau họng, sốt cao, khó thở nguy cơ dẫn đến viêm phổi, viêm não thậm chí mất khả năng thở ở một số người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu vì vậy giải pháp phòng bệnh được đặt lên hàng đầu.

Cúm A/H7N9 là căn bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus cúm A/H7N9 trên gia cầm lây sang người với những tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Loại virus này được phát hiện cách đây 12 năm (năm 2013) tại Trung Quốc với ca nhiễm virus H7N9 ở người.

Virus cúm A/H7N9 thuộc nhóm ARN-virus, họ Orthomyxoviridae, giống Influenzavirus A, có chứa kháng nguyên bề mặt haemaglutinin 7 (H7) và kháng nguyên neuraminidase 9 (N9), có khả năng gây ra bệnh dịch cúm ở các loài lông vũ (avian infl uenza).

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) chủng virus A/H7N9 là kết quả của tổ hợp của genom từ 3 chủng virus cúm đang lưu hành gồm virus cúm vịt nhà (A/H7N3), virus cúm chim hoang dã (A/H7N9) và virus cúm gà (A/H9N2). Điều này khiến virus cúm A/H7N9 có khả năng nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu của loài chim và gia cầm, sinh sản ở đó và có mặt trong chất tiết của các cơ quan trên. Từ các cơ sở trên cho thấy chủng A/H7N9 gây nhiễm cho gia cầm là chính tuy nhiên cũng có khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho người vì vậy người dân cần có biện pháp phòng ngừa.

Phân tích cho thấy độc lực của virus cúm A/H7N9 trên gia cầm thường yếu hoặc hầu như không có tuy nhiên, trên người độc lực lại thể hiện ở 4 mức độ là loại cao (highly virulent/pathogen), loại vừa và nhẹ (moderately and mildly virulent) và loại không có độc lực (avirulent) thường là nhiễm virus không có triệu chứng và không gây tử vong. Kháng nguyên virus có thể phát hiện bằng phản ứng chuỗi trùng hợp (PR-PCR) từ dịch họng hay dịch đường hô hấp dưới trong khi kháng thể đặc hiệu ở máu có thể sử dụng kỹ thuật sinh hóa (ELISA).

Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ tử vong do nhiễm cúm A/H7N9 trước đây là gần 50%, đến thời điểm hiện tại đã giảm còn 30% do ý thức bảo vệ sức khoẻ của người dân tốt hơn, tuy nhiên khi nhiễm loại cúm này bệnh trở nặng rất nhanh vì vậy người dân không được chủ quan khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ.

Theo phân tích đặc điểm dịch tễ học và thống kê của Bộ Y Tế, hơn 90% số ca mắc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, trong đó có 30 chùm ca bệnh. Virus được phân lập từ người bệnh cùng chùm ca bệnh có kết quả giống nhau với tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về sự lây truyền dễ dàng và bền vững từ người sang người.

Những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H7N9 người dân cần đề phòng

Đau mỏi các khớp xương, nhức đầu, buồn nôn, nôn.

Sốt cao 39 – 40 độ C.

Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp trên như sổ mũi, hắt hơi, đau họng…

Ho, tức ngực, khó thở tăng dần.

Các triệu chứng suy hô hấp như tím môi, tím đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp. Các biểu hiện nặng, nguy kịch gồm thiểu niệu hoặc vô niệu, phù, suy tim, đông máu nội quản rải rác, suy gan nặng, hôn mê…

Chụp X-quang phổi thấy có hình ảnh tổn thương giống như do cúm A/H5N1 với biểu hiện các đám mờ không đồng đều, thời gian đầu xuất hiện ở một thùy phổi sau lan ra khắp 2 phổi nếu không được điều trị kịp thời. Mức độ tổn thương phổi trên phim X-quang tương ứng với độ nặng, nhẹ của bệnh nhân trên lâm sàng.

Các biện pháp phòng tránh bệnh cúm A/H7N9

Đặc tính của cúm A/H7N9 xuất phát từ các loại gia cầm mắc bệnh vì vậy người dân cần tuân thủ các quy định dưới đây để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng:

Tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết không rõ nguồn gốc, không  mua gia cầm đã làm sẵn để đảm bảo gia cầm đó không mắc bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không giết mổ để bán ra thị trường, thông báo ngay cho các cấp chính quyền và đơn vị thú y trên địa bàn phường, quận… để có biện  pháp xử lý.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Những người đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm cần chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến trứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.

Khuyến cáo người dân tiêm phòng cúm hàng năm bởi vắc xin cúm bảo vệ cơ thể bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể đặc hiệu tiêu diệt các chủng virus cúm (trung hòa virus) nếu cơ thể có tiếp xúc nhằm giảm khả năng mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm do cúm gây ra như viêm tai, viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, thậm chí tử vong.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Phòng ngừa cúm A cho trẻ như thế nào

Có nên tắm gội, xông hơi khi bị nhiễm cúm hay không?

5 sai lầm khi bị cúm khiến bệnh trở nặng, nguy hiểm sức khỏe

Cảnh báo 3 chủng virus cúm dễ lây nhiễm bùng phát thành dịch

Nhóm nguy cơ gặp biến chứng khi mắc cúm A

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook