Cúm A (H7N9) chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng vẫn cần đề phòng. Chuyên gia cảnh báo, nếu gà mắc bệnh không được đun chín kỹ hay việc tiếp xúc để sơ chế sau khi mua cũng được xem là không an toàn.
Không mổ gà sẽ không nhiễm vi rút cúm?
Dịch cúm gia cầm H7N9 đang bùng phát ở 13 tỉnh thành của Trung Quốc với số ca mắc tăng vọt. 40% số ca mắc bệnh cúm gia cầm tại Trung Quốc đã tử vong. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế,cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ cao lan sang Việt Nam qua đường nhập lậu gia cầm.
Tuy nhiên, hiện nay không ít người dân vẫn còn chủ quan với cúm A (H7N9). Một số người cho rằng không tiếp xúc giết mổ, chăn nuôi gà hay ăn thịt gà sẽ không mắc bệnh.
Chị Nguyễn Thị Lê (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết, chị và gia đình đã nghe tới dịch cúm H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc và người bị mắc cúm. Trong đó là những người tiếp xúc trực tiếp với gà (giết mổ, chăn nuôi).Tuy nhiên, chị Lê và không ít bà nội trợ tỏ ra khá chủ quan vì chưa thấy dịch xuất hiện ở Việt Nam.
Nguy cơ nhiễm vi rút cúm gia cầm cho người cao ở khâu trước khi được luột chín, ảnh minh họa.
“Tôi thường mua gà sống ngoài chợ nhờ họ mổ sẵn rồi mang về nhà. Sau khi mang gà về, tôi rửa sạch lại nấu sôi kỹ rồi mới ăn. Quá trình đun sôi như vậy tôi nghĩ vi rút có thể chết và ăn thịt gà cũng khó có thể gây bệnh”, Chị Lê chia sẻ.
Còn theo chị Dương Thu Hương (Tây Mỗ, Hà Nội), chị không trực tiếp mổ gà, chỉ mua gà giết mổ sẵn thì cũng khó có thể nhiễm cúm gia cầm.
Chị Hương có lý giải: “Mình có đọc thông tin và được biết cúm gia cầm người bị mắc thường là người giết mổ, chăn nuôi gia cầm. Mua gà về sơ chế sạch, nấu chín ăn chắc sẽ không có vấn đề gì”.
Vi rút có tốc độ lan truyền rất nhanh
Trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) về vấn đề trên, ông cho hay, không trực tiếp giết mổ, nuôi gia cầm nhưng ăn gia cầm mắc bệnh chưa được nấu chín vẫn có nguy cơ nhiễm vi rút.
Về mặt sinh học, mọi loài vi sinh vật trong đó có vi rút có thể chết ở nhiệt độ 70 độ C. Cũng vì vậy mà ông cha ta thường khuyên phải “ăn chín uống sôi”. Khi nhiệt độ sôi đạt 100 độ C thì vi khuẩn, vi sinh vật đều có thể bị tiêu diệt, khi đó ăn thực phẩm là an toàn.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng: “Nguy cơ nhiễm vi rút cúm gia cầm cho người cao ở khâu trước khi được luộc chín. Khi mua gà về, chúng ta vẫn phải dùng tay lấy gà ra để rửa, sơ chế. Quá trình đó cũng được cho là có tiếp xúc trực tiếp với gà. Chưa kể khi con gà mang vi rút thì tốc độ lây lan của nó sẽ rất nhanh. Chỉ cần một giọt nước rơi từ con gà mang bệnh trên sàn nhà, bàn bếp, thớt, tường (băm, chặt) đều có nguy cơ lan truyền bệnh”.
Nguy cơ cao nhất của virus cúm gà H7N9 là người dân vẫn còn rất chủ quan. Trước đây, khi dịch cúm gà H5N1 xuất hiện Việt Nam, dù được thông tinrất nhiều nhưng người dân tỏ ra không hề quan tâm.
“Dù hiện nay vẫn chưa có bằng chứng cúm A (H7N9) lây từ người sang người, nhưng trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị tử vong vì cúm gia cầm. Tiêu thụ gà có virus H7N9 vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, khi mua gia cầm ở chợ cần lưu ý chọn những con gà khỏe mạnh không bị chậm chạp hay mắt nhắm lại. Người mua gia cầm đã giết mổ sẵncần phải có giấy tờ kiểm dịch hoặc dấu đóng kiểm dịch trên thịt gà.
“Khi gà mắc phải chủng cúm vi rút H5N1, H7N9… thường chết rất nhanh. Người dân khi thấy gia cầm chết tuyệt đối không nên ăn. Không vứt gia cầm chết xuống nguồn nước (sông, suối, rảnh..). Gia cầm chết cần phải chôn và rắc vôi để tránh nguy cơ lan truyền bệnh”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nói.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.