Hiện nay, có rất nhiều bà mẹ chưa hiểu đúng bản chất của từng loại men tiêu hóa. Thậm chí, có người đang nhầm lẫn men tiêu hóa và men vi sinh là một.
Con lười ăn, mẹ lại bổ sung men tiêu hóa
Nhìn con nhà hàng xóm 20 tháng đã được 14kg khiến chị Lê Thị Hương (28 tuổi, Hoàng Mai) phát thèm. Con chị cũng bằng tháng với con nhà hàng xóm nhưng chỉ nặng 9kg. Chị Hương chia sẻ, bé Bèo con chị rất biếng ăn, dù nấu đúng khẩu vị cũng rất mất thời gian để dỗ dành cho ăn.
Chị Hương đã dùng mọi cách thay đổi món ăn, chế biến món ăn nhiều màu sắc sặc sỡ để bé thích thú… Nhưng chỉ được 1-2 ngày, bé Bèo lạibiếng ăn và khóc lóc không chịu.
Nghĩ đường tiêu hóa của con kém nên chị Hương đã đầu tư cho con uống 1 tháng men tiêu hóa.Tuy nhiên, sau một tháng uống thuốc, bé Bèo vẫn không thiếttha với chuyện ăn uống.
Khi con biếng ăn mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân, không nên bổ sung men tiêu hóa (Ảnh minh họa).
Trao đổi với phóng viên Emdep.vn, bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng, Học viện Quân y cho biết, hiện nay, có rất nhiều bà mẹ chưa hiểu đúng bản chất của từng loại men tiêu hóa. Nhiều bà mẹ vẫn nhầm lẫn men tiêu hóa và men vi sinh là một. Trong khí đó, hai chế phẩm này khác nhau về bản chất nhưng do thói quen nên được gọi chung là men tiêu hóa.
Bản chất của men là những protein đóng vai trò làm chất xúc tác trong phản ứng hóa học. Nếu không có men thì phản ứng này sẽ không tiến hành được hoặc tiến hành rất chậm chạp.
“Nói một cách dễ hiểu là men tiêu hóa gồm các loại men (hay chính là enzyme) do ống và tuyến tiêu hóa tiết ra để cắt nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ. Chúng giúp cho thức ăn được tiêu hóa dễ dàng và ngấm vào máu”, bác sĩ Bạch Đằng nói.
Còn các chế phẩm vi sinh (men vi sinh) hỗ trợ tiêu hóa còn có tên gọi là probiotic. Chúng có vai trò bổ sung vi khuẩn có lợi để tham gia vào khâu cuối cùng của quá trình tiêu hóa và có chức năng bảo vệ đại tràng. Loại men vi sinh này thường bị các bà mẹ sử dụng không theo chỉ định.
“Dùng men tiêu hóa khi trẻ biếng ăn là sai lầm dễ mắc khi các mẹ chăm sóc con. Khi trẻ biếng ăn, mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục hoặc đưa bé đi khám dinh dưỡng. Phụ huynh không nên bổ sung men tiêu hóa dạng thuốc, vì ít tác dụng”, bác sĩ Bạch Đằng nói.
Teo cơ quan tiêu hóa nếu lạm dụng dụng men tiêu hóa
Theo bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng, sử dụng men tiêu hóa như thế nào, dùng loại gìvà liều lượng ra sao cần phải có chỉ định của bác sĩ.
Trẻ cần phải được bổ sung men tiêu hóa khi các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hoặc giảm bài tiết. Ví dụ, trẻ bị tiêu hóa kéo dài, trẻ bị suy dinh dưỡng, tre có u xơ nang tuyến tụy… bị thiếu các men tiêu hóa.
Những trẻ này cần phải được bổ sung thêm các dưỡng chất qua khẩu phần ăn và nên cung cấp cho trẻ thêm một số men tiêu hóa của tụy. Ví dụ, men amylase có tác dụng tiêu hóa tinh bột mạnh hoặc một số loại men tiêu hóa chất đạm của tụy như: Trypsin, Chymotrypsin, Carboxypolypeptidase giúp cho chất đạm sẽ được phân giải thành các đoạn acid amin đơn giản.
Bác sĩ Bạch Đằng khuyến cáo: “Không nên cho trẻ dùng men tiêu hóa kéo dài trên 2 tuần, nên dùng men tiêu hóa theo từng đợt, mỗi đợt từ 1-2 tuần. Dùng men tiêu hóa kéo dài sẽ làm cho các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết và dẫn đến teo”.
Với chế phẩm men vi sinh (probiotic) chỉ dùng để điều trị bệnh tiêu chảy cấp do virus, hoặc khi trẻ khám bị phát hiện thiết hụt những loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
“Các chế phẩm vi sinh này còn được chỉ định dùng cho những bệnh nhi dùng kháng sinh kéo dài. Bởi những loại thuốc kháng sinh thường tiêu diệt những vi khuẩn có lợi tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại tấn công”, bác sĩ Bạch Đằng cho biết.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.