Cơn đau thắt ngực là triệu chứng của bệnh động mạch vành, với biểu hiện đau ngực trái, cảm giác bóp nghẹt, đè nặng hoặc như có ai đứng trên ngực của mình.
Cơn đau thắt ngực xuất hiện do giảm dòng máu đến nuôi cơ tim. Cơn đau thắt ngực là triệu chứng của bệnh động mạch vành, với biểu hiện đau ngực trái, cảm giác bóp nghẹt, đè nặng hoặc như có ai đứng trên ngực của mình.
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý xuất hiện khi có cục máu đông gây bít tắc động mạch vành – mạch máu cung cấp máu và nuôi dưỡng cơ tim. Khi động mạch vành bị tắc, không còn dòng máu đến cơ tim sẽ gây phá huỷ hoặc chết một phần cơ tim tương ứng.
Triệu chứng cơn đau thắt ngực và bệnh nhồi máu cơ tim
Triệu chứng của nhồi máu cơ tim
– Cảm giác đau ngực với tính chất bóp nghẹt, tức nặng vùng giữa ngực kéo dài trên vài phút.
– Đau lan lên vai, cánh tay, lưng, răng hoặc hàm của bạn.
– Đau ngực có xu hướng tăng dần.
– Đau vùng bụng trên kéo dài.
– Khó thở.
– Vã mồ hôi.
– Một số bệnh nhân có cảm giác như sắp chết.
– Mệt mỏi, buồn nôn và nôn.
Ở một số trường hợp (đặc biệt là phụ nữ) có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, da lạnh, chóng mặt hoặc choáng váng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim như đã mô tả ở trên, thậm chí một số người không có triệu chứng. Nhưng nếu bạn bị những triệu chứng như trên, nhiều khả năng bạn đã bị nhồi máu cơ tim.
Hoàn cảnh bị nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, khi bạn đang làm việc hoặc khi chơi thể thao, khi bạn nghỉ ngơi, thậm chí khi xúc động mạnh. Một số bệnh nhân đột ngột bị nhồi máu cơ tim, nhưng phần lớn bệnh nhân đã từng có cơn đau thắt ngực sẽ có những dấu hiệu cảnh báo hàng giờ, hàng ngày hoặc hàng tuần trước khi xảy ra nhồi máu cơ tim. Dấu hiệu cảnh báo sớm nhất đó là đau ngực tái đi tái lại xuất hiện khi gắng sức và đỡ khi nghỉ ngơi (do cơ tim sẽ bị thiếu máu tạm thời khi bạn gắng sức).
Khi nào bạn cần đến khám bác sĩ?
Khi bạn bị nhồi máu cơ tim, cần hành động ngay lập tức. Nhiều bệnh nhân đã lãng phí quá nhiều thời gian do không nhận ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Hãy làm các bước sau:
– Gọi cứu trợ y tế khẩn cấp. Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhồi máu cơ tim, đừng do dự. Hãy gọi 115 hoặc trung tâm y tế gần nhà. Nếu bạn không gọi điện được, hãy nhờ ai đó đưa bạn đến trung tâm y tế gần nhất.
– Ngậm viên thuốc nitroglycerin nếu đã được kê đơn. Nếu bác sĩ đã kê đơn thuốc nitroglycerin cho bạn, uống hoặc ngậm viên thuốc trong khi chờ đợi hỗ trợ y tế.
-Uống aspirin nếu có chỉ định. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị nhồi máu cơ tim, việc uống aspirin là rất cần thiết để giảm tổn thương cơ tim, tuy nhiên bạn không nên tự uống thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Nguyên nhân của bệnh nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi một hoặc nhiều mạch máu nuôi dưỡng cho tim (động mạch vành) bị tắc. Theo năm tháng, động mạch vành bị hẹp dần lại do sự bồi đắp dần của cholesterol trong lòng động mạch hình thành các mảng xơ vữa. Khi một trong những mảng xơ vữa bị nứt vỡ ra, cục máu đông sẽ được hình thành trên mảng xơ vữa đó, nếu cục máu đủ lớn sẽ gây bít tắc toàn bộ lòng mạch và gây ra nhồi máu cơ tim.
Một số nguyên nhân ít gặp khác của nhồi máu cơ tim đó là: co thắt động mạch vành (đặc biệt là khi sử dụng ma tuý), cục máu đông hoặc khối u từ nơi khác bắn vào động mạch vành gây tắc mạch.
Yếu tố nguy cơ bệnh nhồi máu cơ tim
Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim bao gồm:
-Tuổi. Nam giới trên 45 tuổi hoặc nữ trên 55 tuổi có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nhiều hơn so với những người trẻ tuổi.
– Hút thuốc lá.
– Bệnh đái tháo đường.
– Tăng huyết áp.
– Tăng LDL-cholesterol (cholesterol trọng lượng phân tử thấp).
– Tiền sử gia đình có người bị nhồi máu cơ tim (bố mẹ hoặc ông bà).
– Ít vận động thể lực.
– Béo phì.
– Căng thẳng.
– Sử dụng thuốc cấm: ma tuý, thuốc phiện,…
Biến chứng của bệnh nhồi máu cơ tim
– Rối loạn nhịp tim, một số rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể dẫn đến chết người.
-Suy tim. Thiếu máu nuôi dưỡng sẽ làm cơ tim bị phá huỷ và mất chức năng sẽ gây ra suy tim về lâu dài.
-Vỡ tim. Vùng cơ tim thiếu máu nuôi dưỡng bị hoại tử và suy yếu sẽ có thể dẫn đến vỡ tim. Đây là biến chứng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
– Tổn thương van tim có thể dẫn đến tình trạng nặng đe doạ tính mạng.
Xét nghiệm cần làm và chẩn đoán
Bên cạnh việc hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng của bác sĩ, các xét nghiệm sẽ giúp chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Các xét nghiệm bao gồm:
– Điện tâm đồ.
– Xét nghiệm máu.
– Siêu âm tim.
– Chụp động mạch vành.
– Trong một số trường hợp, cần làm nghiệm pháp gắng sức hoặc chụp cộng hưởng từ tim, xạ hình cơ tim.
Điều trị bệnh nhồi máu cơ tim
Mỗi phút trôi qua sau nhồi máu cơ tim, lại có nhiều hơn cơ tim bị thiếu oxy và bị phá huỷ. Do vậy, việc phục hồi dòng máu nuôi dưỡng cơ tim là đặc biệt quan trọng và tiến hành càng sớm càng tốt.
Thuốc điều trị nhồi máu cơ tim
– Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, bao gồm aspirin và nhóm thuốc có tính chất tương tự như asprin, ví dụ clopidogrel (plavix).
– Thuốc tiêu sợi huyết giúp tan cục máu đông trong động mạch vành.
– Các thuốc giúp làm máu “loãng” hơn và ít tạo thêm các cục máu đông mới, ví dụ như heparin.
-Nitroglycerin. Có tác dụng giãn mạch vành, giảm đau ngực.
– Thuốc làm giảm đau ngực như morphin.
– Các thuốc khác làm tim thư giãn hơn, giảm bớt nhịp tim và ngăn quá trình tiến triển của nhồi máu cơ tim như thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc ức chế men chuyển.
– Thuốc làm hạ cholesterol.
Các biện pháp làm tái thông mạch máu
Nong bóng và đặt stent động mạch vành. Bác sĩ sẽ luồn một ống thông nhỏ vào động mạch vành bị tắc của bạn qua một động mạch, thường là động mạch quay hoặc động mạch đùi. Sau đó sẽ luồn một quả bóng đặc biệt tới nơi bị tắc nghẽn và làm quả bóng nở rộng, qua đó làm khai thông vị trí tắc và làm cho dòng máu được chảy trở lại. Cùng lúc đó, một ống kim loại đặc biệt (stent) được đưa vào để giúp cho lòng mạch được thông hoàn toàn, phục hồi dòng chảy và giúp phục hồi cơ tim.
Mổ bắc cầu nối động mạch vành. Ở một số trường hợp, bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Bác sĩ sẽ dùng những đoạn mạch để nối từ động mạch bình thường vượt qua chỗ bị tắc của động mạch vành, khôi phục dòng máu cho vùng cơ tim, làm cho tim hồi phục. Nhưng thông thường, mổ bắc cầu nối động mạch vành được tiến hành một thời gian sau khi nhồi máu cơ tim để chờ cơ tim tự hồi phục sau nhồi máu.
Điều chỉnh lối sống và dự phòng nhồi máu cơ tim
Sẽ không bao giờ là muộn để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, thậm chí là ngay cả khi bạn đã từng bị nhồi máu cơ tim. Bạn hãy uống thuốc đầy đủ và thay đổi lối sống – đó là cách tốt nhất để phòng tránh nhồi máu cơ tim. Cụ thể như sau:
– Uống thuốc đều đặn theo đơn thuốc của bác sĩ.
– Không hút thuốc lá.
– Đi khám định kỳ để kiểm soát những rối loạn hiện tại như tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường hoặc tăng cholesterol máu.
– Duy trì hoạt động thể lực.
– Hạn chế ăn các thức ăn có nhiều mỡ, cholesterol, hạn chế ăn muối.
– Duy trì cân nặng ở mức hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Tránh căng thẳng.
CNTTCBTG – Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.