Thứ Tư, 07/11/2018 | 10:14

Đau thắt ngực là dạng bệnh nhẹ nhất trong các bệnh tim. Trong dạng bệnh này, các mảng xơ vữa chỉ làm hẹp các động mạch vành, có thể hẹp một hay nhiều nhánh nhưng chưa tắc hẳn.

Cơn đau thắt ngực hiểu đơn giản là đau ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim, xảy ra khi nhu cầu ôxy cơ tim vượt quá khả năng cung ứng của động mạch vành. Cơn đau này thường xảy ra khi gắng sức trong sinh hoạt hàng ngày như đi bộ, lên cầu thang, các sang chấn về tình cảm, nhiễm lạnh hay thậm chí sau một bữa ăn quá no.

Đau thắt ngực là dạng bệnh nhẹ nhất trong các bệnh tim. Trong dạng bệnh này, các mảng xơ vữa chỉ làm hẹp các động mạch vành, có thể hẹp một hay nhiều nhánh nhưng chưa tắc hẳn. Nếu lòng động mạch vành chỉ bị chít hẹp ít, dưới 50%, thì không có vấn đề gì xảy ra, nhưng nếu hẹp quá nhiềụ, 60% hay 70%, việc tiếp máu và ôxy cho cơ tim bị giảm sút trầm trọng, làm cho cơ tim bị thiếu máu, tức là thiếu quá nhiều ôxy, và ngưòi bệnh thấy đau thắt ngực.

Cơn đau thắt ngực có đặc điểm là có thể phục hồi được hoàn toàn nếu ta giảm được nhu cầu ôxy như đang đi đứng lại, ngồi nghỉ… đồng thời tăng được cung cấp máu bằng thuốc dãn mạch, thì người bệnh hết đau ngay trong vòng 5 – 10 phút. Lúc đó, các tế bào cơ tim trở lại trạng thái bình thưòng, hoàn toàn không có dấu vết gì của cơn đau.

Đối tượng có nguy cơ mắc những cơ đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực xảy ra ở cả nam giới và nữ giới tuổi trung niên. Tuy nhiên, đối với bệnh này thì nam giới mắc nhiều hơn nữ giới, trong 10 người đau thắt ngực, chỉ có hai là nữ, còn 8 là nam.

Tuổi già dễ mắc hơn tuổi trẻ: hiếm khi có đau thắt ngực ở đàn ông dưới 40 tuổi và ở phụ nữ dưới 45 tuổi. Có thể nói rằng một phụ nữ 30 tuổi mà đau ngực, thì rất ít khi là do tim thiếu máu cục bộ. Trái lại, một người đàn ông 50 – 60 tuổi cũng đau ngực như vậy phải coi là rất có thể đau thắt ngực. Nhưng ở độ tuổi trên 75 thì phụ nữ lại có xu hướng bị đau thắt ngực nhiều hơn nam giới. Cơn đau thắt ngực ở phụ nữ có những tiến triển và diễn biến khác nhau. Mặc dù hầu hết các cơn đau thắt ngực ở cả hai giới đều xảy ra sau những cố gắng của cơ thể nhưng nhiều phụ nữ bị cơn đau thắt ngực hơn nam giới khi gặp phải các sang chấn về tình cảm hay ngay cả trong giấc ngủ hoặc nghỉ ngơi.

Một giải thích cho sự khác biệt này là hầu hết các cơn đau thắt ngực ở nam giới là do xơ vữa động mạch – đây là hiện tượng các động mạch bị nghẽn tắc do mảng mỡ. Khi hiện tượng xơ vữa động mạch xảy ra trên các động mạch của tim thì nó được gọi là bệnh động mạch vành và có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim nếu không được điều trị. Cơn đau thắt ngực ở phụ nữ dưới 50 tuổi có thể là do xơ vữa động mạch hoặc co thắt động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim.

Người ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu lý do gì đã thúc đẩy động mạch vành co thắt. Có nhiều yếu tố đang được nghiên cứu, như tăng hoạt tính của tiểu cầu (là một thành phần của máu gây đông máu), hút thuốc lá, căng thẳng. Bất kể nguyên nhân sau cùng là gì đi nữa thì tất cả các trường hợp co thắt mạch vành xảy ra đều do luồng canxi đi vào các tế bào cơ trơn của thành mạch vành.

Nói chung, nếu người đau ngực mà có thêm một số nhân tố khác như: nam nhiều tuổi, hút thuốc lá, huyết áp cao, đái tháo đường, ít vận động thể lực, công việc đòi hỏi lo nghĩ nhiều, ăn quá mức và béo thì có nhiều khả năng bị đau thắt ngực. Ngoài ra, nếu trong gia đình, bố mẹ, ông bà, anh chị em đã có người bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, hoặc tai biến mạch máu não thì lại càng nên nghĩ nhiều đến tim thiếu máu cục bộ.

Triệu chứng cơn đau thắt ngực

Đa số trường hợp là đau ở giữa ngực, ngay sau xương ức, hoặc ở ngực trái, vùng trước tim. Một số nhỏ có thể đau bên phải ngực hoặc ở sau lưng. Cố biệt, có bệnh nhân đau ở bụng, vùng thượng vị, vì thế nhiều người đã bị chẩn đoán nhầm là bệnh dạ dày.

 

Hướng lan của đau cũng đặc biệt. Những trường hợp điển hình, đau từ ngực lan lên vai trái, có khi xa hơn đến cánh tay trái, cẳng tay trái, ngón tay trái, nhất là ngón út. Cũng có khi lan sang tay phải -Nhiều khi bệnh nhân đau lan lên cổ, lên hàm, răng.Có người bệnh thấy đau răng nên đến khám ở nha sĩ.

Có khi đau lan ra sau lưng, xuống vùng thượng vị, nhưng không bao giờ lan xuống dưới rốn.

Cảm giác mỗi người bệnh mô tả một khác. Có người thấy đau như kẹp vào tim, thắt tim, hoặc như bỏng rát, như cứa cọ vào cơ tim. Đa số người bệnh không thấy đau, mà chỉ thấy khó chịu, như có gì chèn ép, đè nặng lên ngực. Lúc hết cơn, cảm giác như cất được gánh nặng.

Cơn đau thắt ngực diễn ra rất ngắn, bắt đầu đau ít, rồi tăng dần lên, nhưng chỉ nghỉ vài phút, dù không dùng thuốc gì, cơn đau cũng nhẹ dần rồi tự chấm dứt. Có những cơn đau chỉ xảy ra độ 1 – 2 phút, nhưng đa số là 3 – 10 phút. Một cơn đau kéo dài quá 15 phút khó có khả năng là đau thắt ngực, và nếu kéo dài quá 30 phút thì phải nghĩ đến bệnh khác như nhồi máu cơ tim chẳng hạn. Ngược lại, những cơn đau rất ngắn, chưa đến một phút hoặc chỉ nhói vài giây, cũng không phải là cơn đau thắt ngực.

Đa số cơn đau xuất hiện khi gắng sức thể lực như leo núi, xách nặng, đi ngược gió, chạy, quan hệ tình dục.

Khi bệnh nhân gắng sức đến mức độ nào mà bắt đầu đau thì gọi đó là ngưỡng gây đau. Ngưỡng này tất nhiên ở mỗi người một khác: động mạch vành chít  hẹp ít thì ngưỡng còn cao, phải làm nặng nhiều mới đau; còn nếu chít nhiều, rất hẹp, thì ngưỡng sẽ rất thấp.

Ở một bệnh nhân nhất định nào đó, ngưỡng gây đau cũng biến đổi theo hoàn cảnh. Tuy nhiên, ngưỡng đau ở đa số bệnh nhân là khá ổn định. Ví dụ, buổi sáng đi làm, cứ đi bộ một quãng đến một cho nhất định là đau xuất hiện phải dừng lại; chạy cứ được một quãng nhất định thì bắt đầu đau; lên gác cứ một tầng hoặc nửa tầng là phải nghỉ. Người ta gọi đó là những trường hợp đau thắt ngực ổn định.

Khi bệnh nặng lên, dễ bị đau, các cơn đau dày hơn, đau dữ dội hơn, gọi là đau thắt ngực không ổn định. Đây là một dạng bệnh nguy hiểm hơn nhiều, vì khó phân biệt được với nhồi máu cơ tim.

Cá biệt một số nhỏ bệnh nhân đêm đang ngủ bỗng xuất hiện cơn đau phải ngồi dậy, hoặc ngồi nghỉ cũng bị đau. Đấy là những dạng hiếm, không điển hình.

Ngoài gắng sức thể lực ra, một số hoàn cảnh tâm lý cũng xuất hiện cơn đau, như cáu giận, bực mình, thất vọng, căng thăng. Hút thuốc lá cũng có thể gây cơn đau vì chất nicotine làm co thắt mạch vành.

Đau trong đau thắt ngực biến thể hay đau thắt ngực vi mạch thường không thể nào phân biệt được với cơn đau thắt ngực điển hình. Tuy cơn đau thắt ngực biến thể thường hay xảy ra nhưng sau đó là một giai đoạn dài không có triệu chứng.

Chẩn đoán cơ đau thắt ngực

Đau thắt ngực do cơ tim thiếu máu cục bộ xuất hiện thành từng cơn đau trong những hoàn cảnh đã nói ở trên. Mỗi cơn đều rất ngắn, từ 2 đến 10 phút. Cơn đau quá ngắn dưới 1 phút hoặc quá dài trên 15 phút khó lòng là đau thắt ngực, và phải nghĩ đến bệnh khác.

Ngoài cơn đau, người bệnh cảm thấy bình thường, hoạt động được, tất nhiên là hoạt động phải nhẹ, dưới ngưỡng đau. Những lúc đó, bác sĩ dù có nghe tim, đo huyết áp cũng thường không thấy gì bệnh lý. Thậm chí ghi điện tim cũng chỉ thấy khác thường trong một số” trường hợp, đa số điện tầm đồ cũng vẫn như người không có bệnh.

Những điểm trên chỉ là những kinh nghiệm giúp cho người bình thường tự nhận xét cơ thể mình và kể lại cho bác sĩ, còn việc khẳng định có phải đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ hay không lại phải do bác sĩ chuyên khoa tim khám và theo dõi cẩn thận mới dám kết luận.

Hiện nay đã có nhiều cách chẩn đoán đau thắt ngực tốt hơn, như ghi điện tim khi đang gắng sức (đạp xe đạp hoặc chạy). Tiến bộ lớn nhất hiện nay cho bệnh này là luồn một ống thông vào động mạch vành, rồi bơm thuốic cản quang và chụp, có thể thấy rất rõ hẹp nơi nào, một hay nhiều chỗ, hẹp chít hay không. Từ đó đặt kế hoạch chữa bệnh. Tuy nhiên, chụp động mạch vành là một xét nghiệm tốn kém, khó khăn nên không nên chỉ định quá dễ dàng.

Phương pháp chữa trị cơn đau thắt ngực

Khi lên cơn đau thắt ngực thì người bệnh phải bình tĩnh và ngừng ngay việc gắng sức. Đang đi hoặc chạy thì phải đứng lại, đừng đi cố thêm. Đang lên cầu thang gác thì phải dừng lại nghỉ, dù ở giữa cầu thang. Đang chơi thể thao như quần vợt, cầu lông, bơi… cũng phải ngừng lại, ít phút sau cơn đau đã qua có thể thong thả nhẹ nhàng đi tiếp về nhà nằm nghỉ.

Những cơn đau thắt ngực thường tự khỏi như thế, không có gì nguy hiểm, do đó bạn đừng hốt hoảng làm tim đập nhanh hơn và động mạch vành co lại, cơn đau lại có thể ‘điều kiện’ kéo dài. Đối với những người đã trải qua nhiều lần, thường biết cách nghỉ ngơi thế nào cho đúng để chấm dứt cơn đau.

Những người xung quanh thấy người bệnh lên cơn đau không nên hốt hoảng làm người bệnh thêm sợ hãi và cũng đừng tiêm thuốc, xoa bóp, thở ôxy. Không nên xúm xít lại, thăm hỏi vì không cần thiết, làm người bệnh mệt hơn.

Đặc biệt phải tránh cho người bệnh hít phải khói thuốc lá, có thể làm động mạch vành co lại và đau tăng thêm. Cơn đau thắt ngực điển hình không cần phải nằm bệnh viện, trừ khi nằm để chẩn đoán chuyên khoa. Cơn đau đầu tiên nên mời bác sĩ, hoặc đến phòng khám tim để có hướng dẫn ban đầu, nhưng những lần sau, bệnh nhân đã có kinh nghiệm, có thể theo hướng dẫn của bác sĩ mà tự điều chỉnh.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook