Thông thường mỗi người sẽ có từ 0 – 4 chiếc răng khôn. Tuy nhiên, răng khôn mọc lệch là hiện tượng rất nhiều người gặp phải.
Loại răng này thường mọc lúc người trưởng thành, khoảng từ 18 – 25 tuổi. Đây là thời gian xương hàm ít tăng trưởng về kích thước. Chất lượng xương trở nên cứng hơn. Niêm mạc và mô phủ bên trên dày chắc cùng một số yếu tố toàn thân khác làm cho răng khôn dễ mọc lệch và gây nhiều biến chứng khó chịu cho bệnh nhân.
Ảnh minh họa. |
Theo BSCKII Hồng Quốc Khanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM, răng khôn mọc lệch thường gây nên một số biến chứng như viêm lợi trùm, viêm mô tế bào. Nguyên nhân do răng khôn mọc lệch gây nhồi nhét thức ăn. Vùng này lại rất khó vệ sinh làm sạch nên lâu ngày gây hiện tượng viêm nhiễm, sưng đỏ, đau quanh thân răng, sau đó tạo mủ, cứng hàm. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ phá hủy xương xung quanh răng này và các răng bên cạnh.
Sâu răng kế bên cũng là một biến chứng thường thấy. Khi răng khôn mọc lệch, thân răng nghiêng tựa vào răng kế bên. Vị trí này dễ bị nhồi nhét thức ăn, viêm nhiễm, khó làm sạch. Kết quả là bản thân chiếc răng này và chiếc răng kế cận (răng cối lớn thứ hai, có vai trò quan trọng trong quá trình nhai) bị sâu.
Răng khôn mọc lệch có thể gây chen chúc các răng khác, nhất là răng trước. Đặc biệt, răng khôn mọc lệch có khả năng làm tăng nguy cơ gãy xương hàm khi các răng ngầm trong xương có thể tạo nang thân răng.
Chính vì vậy đối với nhiều người việc loại bỏ những chiếc răng là nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, việc nhổ răng khôn cũng phải nên cẩn trọng. Không phải trường hợp nào mọc răng khôn cũng cần nhổ.
BS Hồng Quốc Khanh cho biết, việc nhổ răng khôn thường rơi vào các trường hợp khi răng mọc lệch hoặc ngầm gây các biến chứng như: đau, khít hàm, viêm sưng, sâu răng…. Răng mọc lệch ra khỏi cung răng không tham gia vào việc nhai, gây trở ngại cho vệ sinh miệng. Chỉ nên nhổ răng khi có yêu cầu của các chuyên khoa như chình hình răng mặt, phục hình. Và chỉ nhổ răng sau khi được bác sĩ đánh giá tình trạng của răng khôn.
Việc nhổ răng khôn không ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai cũng như hình dáng khuôn mặt nhưng bệnh nhân cũng phải lưu ý một số điều cần thiết kể cả trong việc chăm sóc vùng miệng của mình, nhằm tránh tình trạng đau nhức, viêm sưng…
Sau 24 giờ đầu nhổ răng, bệnh nhân không nên súc miệng mạnh, đặc biệt không ngậm hay súc miệng bằng nước muối, không khạc nhổ, không dùng nước nóng, uống rượu bia…
Trường hợp máu vẫn chảy nhiều, nên tìm gặp bác sĩ để can thiệp kịp thời. Sau khi nhổ răng bệnh nhân chỉ nên dùng thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước, không nên ăn thức ăn nóng vào những ngày đầu sau khi phẫu thuật. Vệ sinh răng miệng bình thường và sạch sẽ ở vùng nhổ răng và khoang miệng để hạn chế vi khuẩn xâm nhập.
Theo An Nhiên/Infonet
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.