Thứ Hai, 17/04/2017 | 16:50

Suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh với những biểu hiện ban đầu mơ hồ nên khiến nhiều người dễ chủ quan.

Chân, tay, lòng bàn tay nổi những vết gân xanh gầy guộc, không đơn thuần là một hiện tượng lạ nó còn gây cảm giác tự ti mỗi khi tiếp xúc với mọi người. Tuy nhiên, ẩn sau sự thay đổi bất thường này lại là nguyên nhân của một căn bệnh đang ngày càng phổ biến.

Chị N. (nhân viên ngân hàng ở Hà Nội) than thở, vốn dĩ không được đầy đặn như mọi người, cơ thể chỉ nặng hơn 40kg nên nhìn bản thân như người không có sức sống. Khi còn là sinh viên, chị N. đã thấy các dấu hiệu nổi gân xanh ở bắp chân, bàn chân. Nhưng vài năm trở lại đây, gân xanh nổi nhiều hơn ở khu vực đùi đặc biệt là ở lòng bàn tay.

Cô gái nhiều năm không dám mặc váy chỉ vì hiện tượng ở chân cảnh báo căn bệnh nguy hiểm

Điều này khiến cho chị N. cảm thấy tự ti khi mặc những bộ váy ngắn hay bikini đi biển. Theo lời chị N., ban đầu cũng chỉ nghĩ đây là dấu hiệu của việc thiếu chất, ăn uống thất thường hoặc quá gầy. Nhưng khi thấy các gân xanh nổi ngày càng nhiều, chị N. đi khám mới được bác sĩ chẩn đoán suy tĩnh mạch.

Cũng được bác sĩ chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, anh Q. (Thanh Xuân, Hà Nội) thở dài ngao ngán. Anh Q. cho biết, thường chỉ có người già hoặc ngoài 40 mới bắt đầu nổi gân xanh nhưng chưa đến 30 tuổi mà chân và tay anh đã xuất hiện các gân xanh chằng chịt. Dù đã cố gắng ăn nhiều hơn để da dẻ hồng hào và tăng cân nhưng vấn đề gân xanh nổi ở chân vẫn không thay đổi.

“Nhiều đêm đi ngủ tôi cứ cảm giác chân nóng, thậm chí phải dí quạt sát chân mới ngủ được, có khi mùa hè còn phải dội nước mới cảm giác mát. Nhưng có những khi lại cảm giác tê bì chân, gần như không có cảm gì nữa. Khi đi khám bác sĩ mới nói tôi bị suy giãn tĩnh mạch chân, chứ trước đó cứ nghĩ bị thấp khớp hoặc do ngồi nhiều”, anh Q. cho hay.

Nhiều người chủ quan

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ đa khoa Văn Giàu cho hay, thông thường căn bệnh này dễ khiến dẫn đến chủ quan vì không có bất cứ triệu chứng nào đáng ngại như đau đớn, mỏi hay ngứa ngáy như nhiều bệnh. Chính điều này càng khiến cho nhiều người tặc lưỡi, “sống chung” với tình trạng giãn tĩnh mạch chân.

“Nhưng không ai biết là bệnh có nhiều cấp độ. Nếu bệnh mắc ở cấp độ càng nặng thì dễ dẫn đến viêm loét, đau đớn, hình thành cục máu đông bên trong tĩnh mạch gây tắc mạch có thể dẫn đến tử vong. Do đó, khi mới xuất hiện dấu hiệu giãn tĩnh mạch chân gồm có màu đỏ và xanh ở bắp chân đan xen thì phải đi khám để được bác sĩ chẩn đoán kịp thời”, bác sĩ Giàu cho hay.

Theo bác sĩ Giàu, nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch là do việc dẫn máu về tim không còn tốt nên ứ đọng máu ở phần dưới của chân và lan dần lên phía trên. “Ban đầu chỉ là những triệu chứng mơ hồ như chuột rút, mỏi chân… ai cũng nghĩ là do ban ngày vận động nhiều quá. Tiếp đó bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu như mạch giãn rồi nổi ngoằn ngoèo. Sau giai đoạn này nếu không được chữa trị sẽ xuất hiện rối loạn dinh dưỡng da chân gây nhiễm trùng, loét khó điều trị”, bác sĩ cảnh báo.

Nguy cơ mắc căn bệnh này không chỉ còn ở người già mà nhiều người trẻ mới 25-30 tuổi cũng đã đối diện với những mảng tĩnh mạch giãn, ngoằn ngoèo xuất hiện ở bắp đùi. Tình trạng này dễ gặp ở những người ngồi lâu hay đứng nhiều, đặc biệt là ở nữ giới.

“Nỗi lo ở căn bệnh này là vấn đề chủ quan do nghĩ không vấn đề gì hoặc nhầm lẫn quá gầy hay vận động quá nhiều nên khi bệnh nặng mới đi chữa sẽ gặp khó khăn. Do đó, khi có dấu hiệu mới xuất hiện phải đi khám ngay”, bác sĩ Giàu khuyên.

Để phòng căn bệnh này, ngay từ khi ngoài 20 tuổi, thời điểm bắt đầu đi làm, mọi người nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, trong đó ưu tiên đi lại khi làm việc văn phòng để cổ chân có sự linh hoạt như đi bộ, đạp xe đạp hoặc đạp loại xe chuyên dành tập thể dục. Đặc biệt khi ngủ nên kê cao chân có thể bằng gối, chân để việc lưu thông máu được dễ dàng hơn.

Phương Hà

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook