Chủ Nhật, 01/11/2015 | 08:30

Khi thế giới đã nhận ra “sự phản chủ” của công nghệ nano thì thị trường Việt Nam mới bắt đầu rầm rộ ngợi ca các loại sản phẩm ứng dụng công nghệ này.

Công nghệ nano là công nghệ xử lý vật chất ở mức nanomet (1/1 tỷ của mét, tức là nhỏ hơn khoảng 80 nghìn lần độ dày của sợ tóc). Công nghệ này bao gồm việc thiết kế, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị hệ thống ở kích thước nanomet. Năm 1959, nhà vật lý Richard Feynman (Mỹ) đã đưa ra ý tưởng về công nghệ này.

Nhưng đến năm 1974, nhà nghiên cứu Nario Taniguchi (Đại họcTokyo, Nhật Bản) mới sử dụng chế tạo cấu trúc vi hình của mạch vi điện tử thì công nghệ nano mới thực sự được ứng dụng. Từ đó nó được quảng cáo rầm rộ, nước nào cũng đầu tư để ứng dụng chúng vào đời sống.

Công nghệ nano: Hiệp sỹ hay Gian hùng thời loạn?

Bình lọc nước công nghệ nano. (Ảnh minh họa)

“Kiệt xuất” của công nghệ nano

Sự thật công nghệ nano đã tạo ra bước tiến mới trong đời sống với ứng dụng chủ yếu là tận dụng vào việc diệt khuẩn (nano Silver ứng dụng trong tủ lạnh, máy giặt, bình nước, đồ trẻ em, khẩu trang…), làm đẹp (kem nano, massage da bằng nano vàng…), y tế. Về khả năng diệt khuẩn của nano thì khoa học thế giới đã khẳng định chúng đạt mức “thần kỳ” bởi được ứng dụng từ các hạt nano siêu nhỏ nên vi khuẩn không thể lọt qua các màng lọc.

Bạn có biết?

Công nghệ nano đã “tấn công” vào gần như mọi lĩnh vực khoa học của đời sống: công nghiệp điện tử, công nghiệp xây dựng, công nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm, y học hiện đại, sang sửa sắc đẹp đến giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, vũ khí tối tân…

Theo Hội đồng các Công đoàn Úc thì hiện nay, công nghệ nano đã “xâm lấn” vào tất cả các ngành công nghiệp và có khoảng 800 sản phẩm ứng dụng công nghệ này đang lưu hành trên thị trường. Đây là một ngành siêu lợi nhuận ước tính nó thu về hàng ngàn tỷ đô la cho các nhà sản xuất.

Nói riêng trong việc lọc nước thì nano hiện nay là công nghệ ưu việt tối đa: Thuở sơ khai, con người lọc nước nhờ cát, sỏi, than củi chỉ giữ được những chất kết tủa, những gì tan trong nước thì không lọc được. Công nghệ than hoạt tính, ion ra đời giúp lọc sạch các hạt kích thước nhỏ nhưng vi sinh vật thì vẫn còn trong nước. Hạn chế nhược điểm này, công nghệ lọc thẩm thấu ngược RO ra đời đã giúp nước hoàn toàn tiệt trùng nhưng chúng lại mất đi khoáng chất, vi lượng. Khắc phục RO thì công nghệ nano cuối thế kỷ 20 đã lọc vi khuẩn một cách hoàn hảo nhất: chúng lọc sạch các hạt bẩn ở kích thước vài nanomet, khử khuẩn cực mạnh nhưng những nguyên tố vi lượng vẫn “lọt” lại trong nước.

Cũng chính từ đó, màng diệt khuẩn nano bạc trong giấy bao thực phẩm, bình sữa trẻ em… cũng tạo được “uy tín” lớn trong việc ngăn chặn siêu vi khuẩn xâm nhập.

Còn trong việc làm đẹp nhờ các hạt nano có hiệu quả? Thực chất, vì các hạt nano cực nhỏ nên chúng trở thành siêu anh hùng có thể len lỏi vào da dễ dàng hơn là điều ai cũng dễ hiểu. Kem TiO2 hay nano vàng đều chứa những hạt nano TiO2, nano Au nên độ thẩm thấu của kem nhanh hơn, sâu hơn, giúp đưa tinh chất vào da hoàn tốt nhất.

Trong y học, công nghệ nano đã giúp người ta tạo ra da, mô xương nhân tạo, vật liệu polymer không thấm nước, chống khuẩn. Đặc biệt, công nghệ nano đã giúp khoa học phát minh ra những máy dò, điều trị ung thư. Nhờ có công nghệ này mà người ta mới sáng chế ra những “camera” có kích cỡ cực nhỏ chỉ vài trăm nanomet nên chúng mới có thể “chui” vào tế bào ung thư để trị bệnh.

Công nghệ nano: Hiệp sỹ hay Gian hùng thời loạn?

Bình sữa công nghệ bạc nano (Ảnh minh họa)

Siêu độc tính từ công nghệ nano

Trong khi công nghệ nano mới và đang thịnh hành ở Việt Nam thì ở nước ngoài, họ đã đi qua và đến lúc nhận ra “tác dụng phụ” của chúng.

TS. Trương Văn Tân (Giảng viên Tại Úc, tác giả cuốn sách Vật liệu tiên tiến từ Polymer dẫn điện đến đèn ống than Nano và Khoa học và Công nghệ Nano) đã cảnh báo rằng: “Các hạt nano (silver nano, vàng nano, TiO2 nano…) là những hạt quá nhỏ nên chúng dễ dàng đi vào huyết quản con người rồi tập trung ở phổi, não bộ…”. Ông cảnh báo trực tiếp đến hai sản phẩm là khẩu trang nano do Viện khoa học công nghệ Việt Nam sản xuất và bình sữa cho trẻ em nhập ngoại.

Trung tâm y tế Woodrow Wilson (Mỹ) đã khẳng định rằng hạt nano có thể xâm nhập qua da hoặc khi được hít, ăn vào sẽ di chuyển đến hạch bạch cầu, bị giữ lại ở thận, gan, lá lách và làm cho phổi phải hoạt động nhiều hơn.

TS. Torsten Hansen (Đạihọc Mainz, Đức) cũng đã nghiên cứu và phát hiện chúng có thể gây ung thư ở chuột. Còn cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đã đưa ra thông báo hạt nano TiO2 trong kem chống nắng có thể phá hỏng não bộ chuột.

Trong năm 2009-2010, Hội đồng Công đoàn Úc đã tiến hành cuộc 17.000 cuộc tranh luận về độc tố nano. Ông Steve Mullins chuyên viên của Hội đồng đã nhấn mạnh rằng “Hóa chất dạng nano rất khác khi chúng ở dạng phân tử”. Điều đó đã được minh chứng bằng oxit kẽm trong sơn đã thay đổi cấu trúc hóa học khi nó tạo ra dưới dạng nano hay nano các bon đang gây hại tương tự các sợi amiang.

Trong lúc nhiều báo cáo độc tính của hạt nano, Nghị viện châu Âu cũng ủng hộ việc đẩy mạnh thiết lập các quy chế châu Âu về sản phẩm nano, thời hạn phải ra quy chế này là năm 2012.

Do vậy nhiều nước tiên tiến sau khi đã quen thuộc với việc ứng dụng nano trong đời sống thì họ lại phải chi ra lượng tiền khá lớn để nghiên cứu về độ an toàn của hạt này với con người và môi sinh. Sự phát triển của công nghệ nano hay như nhiều công nghệ khác, đều có mặt tích cực và tiêu cực. Không phải vì mặt tiêu cực mà chúng ngừng phát triển nhưng không thể cho chúng “ôm trọn” đời sống.

Cảnh báo

Tâm lý của người tiêu dùng lại thường “sính mốt thời thượng”. Giống như ngày xưa phong trào rộ tiêu chí ISO thì “hot” là sản phẩm phải có ISO, ngày nay “mốt” phải là sản phẩm ứng dụng nano.

Ra siêu thị, bất cứ một chiếc máy giặt, chiếc tủ lạnh nào có tờ giấy ghi Silver nano thì đều được người bán giới thiệu là “diệt khuẩn tốt nhất hiện nay”. Đồ dùng cho trẻ em trọn bộ hiện nay từ bàn chải cọ rửa đến ti giả, bình sữa… được cho là hiện đại nhất đều phải dán mác “nano Bạc (Silver)”.

Giá cả của những sản phẩm này thì tất nhiên cao vài lần so với sản phẩm tương tự. Ví như một khẩu trang nano giá 15.000đ thì loại thường có thể chỉ 2.000-5.000đ. Một bình bú sữa trẻ em có Silver nano giá từ 200.000-500.000đ trong khi loại thường dao động khoảng 20.000-70.000đ…

Như Bình

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook