Thứ Năm, 27/07/2017 | 15:25

5 con người không hề chung một dòng máu nhưng họ cùng nhận tạng từ con trai bà Ngần. Hơn một năm sau ngày được ghép tạng thành công, họ trở về thăm bà Ngần và gia đình trong niềm vui khôn tả.

Chỉ mong 5 người con khỏe mạnh

Cách đây đúng 1 năm (27/7/2016), bà Cấn Thị Ngần (thôn Độ Lộc – xã Tuyết Nghĩa – Huyện Quốc Oai – Hà Nội) mất đi cậu con trai Trịnh Đình Vàng (sinh năm 1984) do bị ngã từ sân thượng xuống.

Cú sốc mất đi cậu con trai khiến cho bà Ngần ngất lên ngất xuống. Không để con ra đi một cách vô nghĩa, bà Ngần đã quyết định hiến tạng của con trai. May mắn là 5/6 người nhờ tạng của con trai bà Ngần đã được trở về cuộc sống bình thường, khỏe mạnh. Hôm nay (27/7/2017), những người đã được ghép tạng tìm về gặp bà Ngần. Trong căn nhà nhỏ, bà Ngần cảm thấy như được gặp, trò chuyện với con trai mình.

Clip bà Ngần chia sẻ với Emdep.vn suy nghĩ của bản thân mình.

Bà Ngần tâm sự: “Cảm xúc gặp lại 5 người đã nhận tạng của con trai tôi rất khó có thể diễn tả thành lời. Tôi được nghe thấy nhịp tim con đập, ánh mắt con nhìn… Tôi coi 5 người được nhận tạng như con ruột của mình”.

Điều mong mỏi nhất của bà Ngần là được nhìn thấy 5 người con luôn khỏe mạnh. Bản thân bà Ngần cũng không cần sự đền đáp hay biết ơn. “Cả 5 người con cùng về làm giỗ cho anh Vàng khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, bà nói.

Theo bà Ngần, sau một thời gian, hàng xóm đã biết được quyết định hiến tạng của con là ý nghĩa và nhân văn thì không còn ai nói xấu đặt điều là bà bán tạng con lấy tiền.

Cũng là một người mẹ, bác Nguyễn Thị Lợi (62 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) mẹ của anh Nguyễn Xuân Hưng (người nhận một bên giác mạc) cho hay: “Là một người mẹ, tôi hiểu được cảm giác mất con đau đớn tới tột cùng. Bản thân tôi, khi biết cháu Hưng được bác sĩ chẩn đoán sẽ bị mù cả hai mắt do bệnh giác mạc chóp, tôi đã khóc nức nở. Vì vậy, tôi thấu hiểu cảm giác của bác Ngần đã phải trải qua. Đặt tôi vào trường hợp của bác Ngần, chưa chắc tôi có đủ mạnh mẽ để đồng ý hiến tạng của con. Tấm lòng của bác Ngần rất đáng quý, gia đình tôi sẽ không quên ơn nghĩa sâu nặng này”.

Clip người mẹ hiến tạng của con: Mừng tủi ngày hội ngộ của 5 người nhận tạng sau 1 năm thay đổi cuộc đời

Cả 5 người được nhận tạng đều coi bà Ngần như mẹ ruột.

Nói về trường hợp của con, bác Lợi kể, năm 26 tuổi, anh Hưng đột nhiên nhìn mờ. Khi đi khám, được bác sĩ chẩn đoán mắc phải dị tật bẩm sinh giác mạc chóp. Tưởng cuộc sống của anh Hưng sẽ phải gắn với bóng tối nhưng may mắn nhận được giác mạc của con bà Ngần nên đã bước sang trang mới. Hiện nay, mắt anh Hưng đã nhìn thấy bình thường, có thể đi lại để giúp đỡ những việc nhẹ trong gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thụy (51 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) cũng là người nhận được một bên giác mạc từ anh Vàng. Bà Thụy cho hay, cách đây 8 năm, bà bị đau mắt đỏ nhưng do không kiêng cữ và chăm sóc tốt nên bị biến chứng, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến hỏng mắt. Trước khi nhận được giác mạc hiến, hàng ngày bà Thụy phải vật lộn với những cơn đau nhức ở mắt.

Hôm nay, 5 anh em cùng gặp mặt dù không chung một dòng máu nhưng thấy thân thiết như một”, bà Thụy nói.

Hạnh phúc không báo trước

Từng gắn bó với chiếc máy chạy thận nhiều năm, chị Trần Thị Hậu (48 tuổi, Lạng Sơn) đã được ghép thận sau khi nhận một bên thận của con bà Ngần. Được biết, chị Hậu bị suy thận từ 2008, gần 10 năm gắn bó với chiếc máy chạy thận khiến chị Hậu cảm thấy cuộc đời trôi qua không còn nhiều ý nghĩa.

“Tôi cảm thấy được sự tự do, cảm giác đó sung sướng lắm. Giờ đây, tôi có thể đi chơi thoải mái, không cần phải nhớ lịch chạy thận theo chu kỳ. Có được sức khỏe ổn định như ngày hôm nay, tôi thấy biết ơn mẹ Ngần vô cùng”, chị Hậu nói.

Clip người mẹ hiến tạng của con: Mừng tủi ngày hội ngộ của 5 người nhận tạng sau 1 năm thay đổi cuộc đời

Chị Hậu không giấu được cảm xúc khi về thăm mẹ Ngần và làm giỗ cho em.

Chia sẻ về lần đầu tiên gặp bà Ngần, chị Hậu nói: “Cảm giác lúc đó rất khó tả, nửa vui nửa buồn. Không hiểu tại sao nước mắt cứ chảy ra, tôi chạy tới ôm và gọi mẹ. Tôi không thể lý giải được cảm xúc lúc đó. Cho tới ngày hôm nay quay về tổ chức giỗ cho em, cảm giác đó vẫn còn y nguyên”.

Cảm phục trước tấm lòng của bà Ngần, chị Hậu cũng đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Chị mong muốn khi chết đi sẽ đóng góp một phần nhỏ cho xã hội.

Còn anh Vũ Xuân Cường (51 tuổi, Khoái Châu, Hưng Yên) người nhận được một quả thận cũng không giấu được cảm xúc khi cả 5 anh em cùng về thắp nhang, ăn bữa cơm gia đình với bà Ngần. “Mẹ có tấm lòng cao cả cứu người. Mong mỏi của tôi là mẹ sẽ sống lâu cùng con cháu”, anh Cường nói.

Là người con thứ 5, nhưng cũng là người con đặc biệt nhất, anh Nguyễn Nam Tiến (38 tuổi, Tuyên Hóa, Quảng Bình) mang trong mình trái tim của anh Vàng. Với anh Tiến, bà Ngần không chỉ có ơn cứu mạng mà còn là một người mẹ đáng kính.

Anh Tiến mắc phải bệnh lý cơ tim thể giãn và xốp suy độ 2. Thời điểm chưa được ghép tim, anh phải dùng máy phá rung tự động (máy hỗ trợ tim ngoài cơ thể), do tim có thể ngừng đập bất cứ lúc nào.

Dẫu biết rằng “cho đi là còn mãi” nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để hiến những bộ phận của chính con mình đẻ ra. Bà Ngần mất đi 1 đứa con nhưng đã nhận về 5 đứa con, các anh chị đều yêu thương mẹ, đoàn kết và gắn bó. 

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook