Theo một nghiên cứu mới của Anh, chứng ngừng thở khi ngủ dường như có liên quan tới tăng nguy cơ bị bệnh gút.
Bệnh gút là do tăng hàm lượng axít uric trong máu và gây đau các khớp, thường gặp nhất là sưng đau khớp ngón chân cái.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng những người bị chứng ngừng thở khi ngủ dễ bị tăng axít uric trong máu, nhưng chưa rõ ngừng thở khi ngủ có liên quan tới bệnh gút hay không và nếu có mối liên quan này mạnh như thế nào.
Để tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Mạng lưới cải thiện sức khỏe, Cơ sở dữ liệu y tế Anh. Họ đã nghiên cứu hơn 9.800 người ở độ tuổi trung bình là 54 bị chứng ngừng thở khi ngủ và so sánh với nhóm chứng gồm 43.598 người không mắc chứng ngừng thở khi ngủ. Vì chứng ngừng thở khi ngủ có liên có liên quan tới béo phì, những người tham gia được so sánh chỉ số khối cơ thể và các đặc điểm khác.
Sau 1 năm, những người mắc chứng ngừng thở khi ngủ có nguy cơ bị một cơn gút cao hơn 50% so với những người không mắc. Nguy cơ này tăng ngay cả khi đã tính đến giới tính, độ tuổi và tình trạng béo phì.
Theo tác giả chính của nghiên cứu, Yuqiing Zhang, GS y khoa tại ĐH Boston, kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng điều trị chứng ngừng thở khi ngủ có thể làm giảm tỷ lệ mắc mới gút. Cần có những nghiên cứu thêm để đánh giá ảnh hưởng của điều trị chứng ngừng thở khi ngủ lên hàm lượng axít uric huyết thanh và nguy cơ bệnh gút.
Chứng ngừng thở khi ngủ là tình trạng một người bị tạm dừng thở hoặc thở quá nông trong khi ngủ. Việc tạm dừng thở có thể kéo dài vài giây hoặc lâu hơn. Đây là bệnh mạn tính và có thể phá vỡ giấc ngủ, gây buồn ngủ ban ngày. Thông thường, người mắc chứng bệnh này thường hay ngủ ngáy hoặc phát ra tiếng ngáy to trong khi ngủ
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Arthritis & Rheumatology
BS Cẩm Tú
Theo YHM/ Univadis
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.