Chủ Nhật, 08/11/2015 | 09:30

Theo thói quen nhiều phụ huynh cứ thấy con ho, sốt, sổ mũi… là “tương” ngay kháng sinh mà không biết, chẳng những không trị được bệnh, nó còn làm tăng sức công phá của vi khuẩn gây thêm những bệnh khác.

Năm 2011, nhân Ngày Sức khỏe Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phổ biến khẩu hiệu: “Hãy chống lại tình trạng kháng thuốc – Không hành động hôm nay, không chữa trị được ngày mai”. Năm 2014, khẩu hiệu trên được nhắc lại, cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng tăng, thể hiện ở việc người dân có thói quen tự mua kháng sinh về điều trị không cần toa của thầy thuốc, dùng kháng sinh tùy tiện, không đúng bệnh, không đúng liều, không đủ thời gian…

Tất cả những thói quen nguy hại trên đẩy đến hệ lụy là chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị hạn chế về các phương thuốc điều trị, thuốc điều trị “bó tay” trước vi khuẩn gây bệnh do khả năng kháng thuốc ngày càng tăng. Đặc biệt, lạm dụng thuốc kháng sinh càng trở nên nguy hại nếu áp dụng ở trẻ nhỏ.

Cho trẻ dùng kháng sinh: Thuốc đắng có dã tật?

Ảnh minh họa

Dùng không đúng, càng dễ mắc bệnh

Trao đổi với SKGĐ về vấn đề này, BS. Nguyễn Trí Đoàn, Giám đốc Y khoa Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ cho biết: “Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi trùng (bacteria), không có tác dụng đối với các bệnh do siêu vi (virus). Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt do siêu vi, viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn. Đặc biệt với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn yếu, nếu uống kháng sinh nhiều thì rất dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, trong khi những bệnh này thường là do siêu vi và “thuốc” điều trị tốt nhất là thời gian (chờ bệnh tự khỏi)”.

“Chưa kể, bản thân việc lạm dụng kháng sinh cũng gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong. Nguy hiểm nhất, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh (hay còn gọi là lờn kháng sinh), về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, người bệnh sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong”, bác sĩ Đoàn cho biết thêm.

Không phải cứ ốm là uống thuốc

Ho là một phản xạ tốt của cơ thể nhằm phòng ngừa viêm phổi

Xét về bản chất, ho không phải là một bệnh mà là triệu chứng bệnh, thậm chí ho còn là phản ứng có lợi để giúp chống lại nhiễm trùng. Chứng ho ở trẻ là cơ chế giúp tống vi trùng, virus, chất nhầy ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi. Ho có thể là triệu chứng của cảm lạnh thông thường hoặc là biểu hiện của nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiêu phế quản hoặc viêm phổi.

Theo tư vấn của bác sĩ Đoàn, “trường hợp ho do cảm lạnh kèm sổ mũi nhưng không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C) nhưng bé vẫn ăn uống, không nôn ói, vẫn chơi đùa thì có thể theo dõi bé tại nhà. Phụ huynh chỉ cần cho bé uống nhiều nước, ăn trái cây tươi, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, soup và theo dõi nhiệt độ cơ thể của con. Cha mẹ không nên tùy tiện cho con uống thuốc ho vì thuốc này có thể gây hại cho trẻ em”.

Đồng quan điểm với bác sĩ Đoàn, Ths, BS. Bùi Ngọc An Pha (Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ) cũng cho rằng: Khi trẻ bị nhiễm siêu vi hô hấp (với các triệu chứng như ho, sốt nhưng vẫn chơi ngoan) thì chúng ta không dùng thuốc để điều trị, nhất là không được dùng kháng sinh. Giải pháp khá an toàn và hiệu quả là rửa mũi họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hay dung dịch nước biển sâu. Điều quan trọng là bố mẹ cần theo dõi con sát sao khi phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, ăn bú kém, ói nhiều, bỏ chơi, lừ đừ thì nên cho trẻ đi khám bác sỹ chuyên khoa.

Bố mẹ cũng cần biết diễn tiến của 1 đợt nhiễm siêu vi là các triệu chứng sẽ tăng dần đến khoảng ngày thứ 4-5 của bệnh sau đó giảm dần và hết hẳn bệnh sau 7-10 ngày. Nên nếu con thấy sốt 4-5 ngày mà vẫn chưa khỏi thì cũng không nên quá lo lắng mà dùng kháng sinh liều cao, không cần thiết cho con.

“Việc dùng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định là hoàn toàn không tốt cho trẻ, sử dụng kháng sinh nhiều dẫn đến một điều nguy hiểm mà ai cũng biết đó là tình trạng kháng kháng sinh của các loại vi khuẩn. Việc dùng kháng sinh sớm ở trẻ còn dẫn đến tình trạng rối loạn hệ miễn dịch, làm tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn hệ khuẩn ruột gây rối loạn hấp thu lâu ngày dễ dẫn đến tình trạng dinh dưỡng kém ở trẻ”, BS. Bùi Ngọc An Pha nhấn mạnh thêm.

Sốt mà vẫn ăn ngủ ngoan thì không cần thuốc hạ sốt

Tương tự như ho, sốt cũng là một phản ứng của cơ thể khi bị nhiễm khuẩn. Sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bằng cách khởi động hệ miễn dịch của cơ thể. Theo bác sĩ Đoàn: Ở trẻ em, hầu hết các cơn sốt từ 37,8 đến 40 độ C đều không nguy hiểm, phần lớn là từ các bệnh do virus như cảm lạnh hoặc cảm cúm. Một vài nguyên nhân khác có thể là do bệnh từ vi khuẩn như viêm họng do liên cầu nhóm A hoặc nhiễm trùng đường tiểu.

Hầu hết các cơn sốt do virus sẽ kéo dài khoảng hai đến ba ngày. Tổn thương não chỉ xuất hiện khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 42 độ C. Tuy nhiên, rất may mắn là bộ ổn định nhiệt của não bộ sẽ giữ những cơn sốt dưới mức nhiệt độ này cho dù không uống thuốc hạ sốt.

Vì vậy, bác sĩ Đoàn khuyên: “nếu trẻ sốt mà không có dấu hiệu mệt mỏi, quấy khóc nhiều, vẫn ngủ được, cha mẹ chỉ cần khuyến khích con uống nhiều nước và nghỉ ngơi chứ không nên dùng thuốc hạ sốt liên tục. Trẻ chỉ thật sự cần dùng đến thuốc hạ sốt khi chúng quấy, trằn trọc khó chịu, không ngủ được. Nếu trẻ con đang ngủ yên giấc thì ba mẹ không nên đánh thức trẻ dậy để cho uống thuốc”.

Lâm Anh

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook