Thứ Ba, 14/11/2017 | 11:52

Tê yếu tay chân xảy ra khi mang vác một vật nặng, tập tạ quá sức…là điều bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng tê yếu chân tay xảy ra bất chợt, không có nguyên nhân có thể là do một bệnh lý nguy hiểm không thể coi thường…

Đối tượng mắc bệnh & nguyên nhân

Hiện tượng tê chân tay có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào từ già đến trẻ, nam hay nữ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân gây bệnh có thể chia làm hai loại: tê yếu tay chân do sinh lý hoặc do bệnh lý. Nguy hiểm hơn cả, đây có thể là dấu hiệu của bệnh đột quỵ.

Tê yếu tay chân do sinh lý

Hiện tượng tê yếu chân tay sinh lý xảy ra do mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép làm cho máu khó lưu thông. Nguyên nhân do ngồi, đứng, ngủ sai tư thế, lao động quá sức, ngồi làm việc liên tục hoặc duy trì một tư thế quá lâu… Trường hợp này, không cần quá lo lắng về việc điều trị, chỉ cần vận động hợp lý, thay đổi tư thế làm việc, ngủ nghỉ phù hợp là có thể giảm ngay triệu chứng.

Tê yếu tay chân do bệnh lý

Tê tay chân bệnh lý xảy ra do thiếu các chất như: canxi, vitamin B1, B2… thường gặp ở những người gầy yếu, sức khoẻ kém. Tuy nhiên, thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi nóng lạnh thất thường, số người mắc đột quỵ tăng cao đột biến, tê tay chân là triệu chứng cần lưu ý bởi đây là một trong những dấu hiệu lý tính báo hiệu đột quỵ.

Dấu hiệu của người bị đột quỵ là tê yếu tay chân, khó cử động, khó thao tác kể cả những hoạt động thường ngày không cần tốn sức. Theo các chuyên gia, trước khi bị đột quỵ, 80% người bệnh sẽ có biểu hiện “cơn thiếu máu não thoáng qua”. Đầu tiên bệnh nhân có cảm giác tê yếu tay chân thoáng qua, tê yếu một bên tay chân cùng bên nửa người thoáng qua, cơn mờ mắt thoáng qua, nói khó, mất kiểm soát tay chân thoáng qua. Do đó, nếu nhận ra mình hay người thân có một trong các biểu hiện trên, việc cần làm là nhanh chóng đến các cơ sở chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám, xác định cơ chế và nguyên nhân bị tê yếu tay chân để có phương pháp điều trị cụ thể, tránh những di chứng về sau.

Lời khuyên của chuyên gia

Giao mùa là thời điểm quan trọng cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bởi vậy trong trường hợp tê yếu tay chân do sinh lý chỉ cần vận động thường xuyên, xoa bóp vùng tay chân bị tê là có thể trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu tê yếu chân tay do bệnh lý, cần phải điều trị tích cực, kiểm soát tốt các bệnh mãn tính, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Giữ ấm cơ thể, thường xuyên vận động, áp dụng chế độ ăn khoa học… để nói không với đột quỵ

Đặc biệt, để phòng bệnh tai biến đột quỵ, khi thời tiết trở lạnh cần giữ ấm cơ thể, thường xuyên vận động, rèn luyện thể chất cũng như áp dụng chế độ ăn hợp lý, nhiều rau xanh. Bổ sung vi khoáng như đậu tương, lạc vừng, lòng đỏ trứng gà, trái cây, rau diếp cá… giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Ngoài ra, người mắc bệnh mạn tính cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đường huyết, stress… Tránh lạm dụng rượu bia để nói không với đột quỵ.

Theo Tuoitre.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook