Thứ Sáu, 21/04/2017 | 16:50

Không chỉ có bể bơi, ao hồ, biển mà ngay trong gia đình bạn cũng có thể có những vật dụng chứa nước tiềm ẩn nguy cơ nếu bố mẹ không giám sát.

Mới đây, một bé gái 8 tuổi đã bị tử vong do ngã vào bồn tắm. Theo lời của gia đình, khi đang tắm cho con thì người mẹ có việc ra ngoài, 30 phút sau quay lại thì con đã bị bất động trong bồn tắm. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đồng tử giãn, hôn mê sâu, da môi tái, suy hô hấp. Tiên lượng của các bác sĩ cho thấy bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Do bé bị ngạt nước quá lâu nên bé đã tử vong dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên hay duy nhất từng bị ngã vào bồn tắm dẫn đến đuối nước. Không chỉ có xô, chậu chứa nước mà ngay cả bồn tắm cũng có thể khiến trẻ bị đuối nước “trên cạn”. Trong cuộc sống, phụ huynh thường quan tâm đến chuyện đuối nước ở bể bơi, sông, ao hồ nhưng lại ít đề phòng nguy cơ bị đuối nước do bồn tắm.

Chỉ một phút thờ ơ, con bạn có thể 'đuối nước' ngay vì vật dụng quen thuộc trong nhà tắm

Trao đổi với chúng tôi, anh Phương (Huấn luyện viên bơi lội) cho hay, bên cạnh việc phụ huynh chưa quan tâm đến việc cho con học bơi từ bé thì việc quản lý hay giám sát lỏng lẻo tại nhà mà nguy cơ đến từ các vât dụng chứa nước sẽ rất nguy hiểm.

Anh Phương phân tích, với các bé nhỏ tuổi, bồn tắm có kích thước lớn chứa đầy nước khi bị ngã vào sẽ rất khó xoay sở để có đủ oxy. Nhiều bé khi bị ngã vào xô nước hoặc bồn tắm sẽ hít một lượng nước đáng kể vào phổi.

“Khi nước đi vào phổi sẽ khiến cho các phế nang bị tổn thương ở màng phế nang và dẫn đến phù phổi. Điều này làm cho phế nang không thể xẹp xuống khi thở ra nên chỉ có phồng lên. Phù phổi cấp khiến cho người bị ngã vào nước bị suy hô hấp, mạch nhanh sau đó là ngừng thở rất nguy hiểm hoặc nếu cứu chữa được cũng rất nguy hiểm đến tính mạng”, anh Phương cho hay.

Không chỉ có bị ngã vào các dụng cụ chứa nước mà từng xảy ra sự việc đáng tiếc dùng điện thoại khi đang cắm sạc còn người nằm trong bồn tắm. Thói quen này nguy hiểm ở chỗ chỉ cần dây sạc có vết hở sẽ khiến nước dẫn điện gây điện giật. Vì vậy khi tắm tuyệt đối không dùng điện thoại hoặc cầm nắm các vật dụng đang cắm vào ổ điện.

Chú ý mối nguy từ bồn tắm

Theo bác sĩ Tiến Anh (Chuyên khoa Nhi) cho rằng, những sự việc trẻ bị tử vong do “đuối nước” ngay tại nhà thật sự rất đáng tiếc.

“Tất cả các dụng cụ chứa nước cần phải che chắn cẩn thận nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Trẻ thường rất tò mò những thứ xung quanh nên sẽ chơi đùa, thậm chí cúi mặt vào trong châu, xô để soi mặt, không cẩn thận sẽ bị ngã nhào vào trong dẫn đến tử vong do ngạt khi không ai phát hiện”, bác sĩ Tiến Anh cho hay.

Bên cạnh đó, có những gia đình rất chủ quan khi tắm xong vẫn chưa chịu tháo nước ra khỏi bồn tắm. Chỉ cần trẻ đùa nghịch và sơ sẩy ngã vào bên trong, rất có thể bị ngạt dẫn đến tử vong. “Nên chọn mua loại bồn tắm cao hơn người trẻ, tốt nhất sau khi tắm phải tháo nước ra ngay, không để nước ứ đọng vừa mất vệ sinh lại có thể tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm. Cửa phòng tắm có khóa và đóng chặt khi không có người lớn ở nhà hay giám sát trẻ”, bác sĩ cho hay.

Khi đang tắm cho trẻ bằng bồn tắm hay chậu nước, phụ huynh phải chú ý không chạy ra ngoài để nghe điện thoại hay làm việc khác. Nếu quên có thể trẻ đã bị đuối nước ngay trong bồn tắm. “Bố mẹ nên tắm hoàn tất cho con rồi mới làm việc khác. Vì khi mải làm việc có thể quên, trẻ ở trong phòng tắm đùa nghịch và dẫn đến bị ngã vào nước dẫn đến không có oxy để thở”, bác sĩ Tiến Anh cho hay.

Với trẻ em, thay vì tắm bằng bồn người lớn thì nên chọn loại bồn hoặc chậu chuyên dụng để tránh thể tích nước vượt quá người trẻ.

“Khi tắm cho trẻ chỉ bơm vào chậu, bồn tắm ở mức vừa phải, không nên quá đầy có thể làm cho trẻ bị rơi tõm vào trong nước và không đứng dậy được”, bác sĩ khuyên.

Khi trẻ bị đuối nước tại nhà cần phải:

– Nhanh chóng bế bé ra khỏi nước, kiểm tra đường thở

– Nếu bé còn thở phải thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo

– Sau đó đưa đến bệnh viện để cấp cứu.

Phương Hà

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook