Chủ Nhật, 06/09/2015 | 02:15

Thích trộm đồ lót, cảm thấy bị kích thích khi được nhìn ngắm những món đồ lót của người khác giới là một bệnh lý. Theo các chuyên gia tâm thần, bệnh này cần được điều trị bài bản.

Ảnh minh họa.

Hốt hoảng vì chồng thích ăn trộm đồ lót

Chị Nguyễn Hoài Thương, 29 tuổi trú tại Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội khóc hết nước mắt khi phát hiện ra sở thích quái đản của chồng mình. Chị Thương và chồng yêu nhau hơn 6 năm mới kết hôn. Trước thời gian kết hôn, chị Thương đi nghiên cứu sinh ở Nhật hơn 2 năm nên hai người sống xa cách. Chị vô cùng cảm động khi biết thời gian xa nhà, người yêu chị ở nhà vẫn chung tình. Anh đi làm, tối lại về nhà, không chơi bời hay gặp gỡ những người khác giới khác.

Lúc ấy, chồng chị vẫn ở một mình trong căn nhà 3 tầng nằm sâu hút trong ngõ Thanh Lương. Ngày cưới, vợ chồng chị được ba mẹ mua cho căn hộ chung cư. Sau ngày cưới, chị Thương tranh thủ về nhà cũ của chồng dọn đồ để chuyển sang nhà mới. Chị chết đứng khi phát hiện trong hộc giường, chồng chị tích trữ cả túi to nội y của chị em phụ nữ. Những đồ đó, anh ta cho vào một thùng catton to đựng lẫn với vài quyển sách khiêu dâm.

Chị Thương dù rất sốc nhưng chị vẫn không tin chồng mình có sở thích khác lạ, biến thái. Chị cất hết đám đồ vào một góc. Buổi tối, khi chồng chị về nhà, anh tức giận, mắt trợn lên khi thấy chuyện bí mật của mình bị vợ phát hiện ra. Anh thẳng tay dằng lấy cái hộp đồ kỳ quái đó.

Cả đêm, chị Thương không ngủ nổi. Nước mắt cứ chảy lăn dài trên má. Chị muốn nghe một lời giải thích nhưng chồng chị im lặng. Dù chị có khóc, có giận hờn. Anh chỉ nói đúng hai từ xin lỗi.

Chị Thương đem hết hộp đồ kỳ quặc đó đốt đi. Thấy chồng xin lỗi, chị cố gạt hết nước mắt hi vọng đó là thói quen xấu trong thời gian xa vắng người yêu. Chị an ủi dù sao anh ý không đi với người phụ nữ khác là tốt rồi. Nhưng chuyện không dừng ở lại. Một lần, chị thấy chồng đang khều khều sang ban công nhà người hàng xóm đế cố gỡ chiếc quần lót của nhà họ. Anh vẫn không giải thích mà chỉ nói lời xin lỗi. Sau ngày đó, chị Thương mất niềm tin và thấy ghê sợ chính chồng mình. Chị tìm hiểu thì chứng thích “ăn trộm” đồ lót của người khác giới là bệnh lý lệch lạc tình dục, một biểu hiện của bệnh tâm thần.

Bệnh lý của rối loạn tâm thần

Chị Thương một mình đi đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương I xin bác sĩ tư vấn về trường hợp của chồng mình. Thạc sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tâm sự, trường hợp lệch lạc tình dục như thích ăn trộm đồ lót không nhiều nhưng đó là biểu hiện của bệnh lý tâm thần. Những bệnh nhân này cần điều trị và thăm khám, được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi.

Bác sĩ Cương cho biết những bệnh nhân này không cần nằm viện điều trị, bệnh nhân có thể về nhà điều trị tại nhà kết hợp đầy đủ các liệu pháp tâm lý và xã hội.

PGS TS Trần Hữu Bình – Nguyên Viện trưởng viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia tâm sự, ông gặp rất nhiều bệnh nhân lệch lạc tình dục. Điều đáng nói là người ta không nghĩ đây là bệnh mà coi vấn đề này là đạo đức, tính tình biến thái nhiều hơn. PGS Bình cho biết lệch lạc tình dục là một bệnh lý cần được khám tư vấn và chữa trị.

Theo PGS Bình, hoạt động tình dục ở người bình thường được chia làm bốn giai đoạn: Kích thích (ham muốn), hưng phấn (gợi hứng), cực khoái và tháo trào. Hoạt động tình dục là một quá trình liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa cơ thể và tâm lý. Nghĩa là, liên quan đến phản xạ vòng lớn (vỏ não) và phản xạ vòng ngắn (tủy sống-cùng).

Những trường hợp bị rối loạn chức năng tình dục khi họ cảm thấy không đáp ứng được tình dục hoặc không thể tham gia vào quan hệ tình dục như mong muốn: Thất bại trong đáp ứng sinh lý tình dục, không cảm thấy thích thú khi giao hợp mà trái lại họ thấy thích thú khi sờ vào đồ lót phụ nữ, khi va chạm “của quý” vào đồ vật.

Cho đến nay, việc khám và điều trị rối loạn chức năng tình dục không thực tổn – không bị tổn thương do não là một vấn đề phức tạp. Bởi lẽ, người bệnh không nói ra các khía cạnh tình dục của mình vì họ xấu hổ hoặc họ đang đau khổ không muốn nói ra.

PGS Bình cho biết khi tiếp xúc với những bệnh nhân này cần có thái độ cởi mở, thân thiện để tạo niềm tin cho họ. Khi họ có niềm tin mình mới lại gần phỏng vấn để khai thác đầy đủ các biểu hiện lâm sàng của rối loạn chức năng tình dục không thực tổn. Có thể điều trị bằng thuốc đặc trị trầm cảm, điều trị bằng liệu pháp tâm lý, liệu pháp hành vi, liệu pháp xã hội. Trong đó, liệu pháp xã hội rất quan trọng. Cần tổ chức các hoạt động xã hội nhằm làm giảm những ức chế trong quan hệ tình dục.

Linh Hoài

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook