Đôi bàn chân là một “biểu đồ” giúp làm rõ những gì đang diễn ra đối với sức khỏe của chúng ta.
Ảnh: Shutterstock
Ngón cái to bất thường
Đây có thể là dấu hiệu của bệnh gút. Không còn là căn bệnh dành riêng cho giới giàu có, gút là sự dồn đống các tinh thể a xít uric tại khớp. Nguyên nhân có thể là do béo phì, một số loại thuốc hoặc chế độ ăn giàu protein, nhưng cũng có thể là do di truyền. Đối với hầu hết bệnh nhân, dấu hiệu đầu tiên biểu lộ qua ngón chân cái sưng phồng, đỏ và gây đau.
Chân lạnh
Suy chức năng tuyến giáp có thể là nguyên nhân khiến tay chân lạnh một cách bất thường. Ngoài ra, chân lạnh cũng có thể là triệu chứng của bệnh Raynaud, chỉ tình trạng các mạch máu chạy đến tay và chân vô cùng nhạy cảm trước nhiệt độ, stress, thuốc lá và thuốc men. Theo đó, mạch máu bị co lại, làm giảm lượng máu chảy và khiến da chân, tay trắng bệch.
Loét hoặc tê chân
Nguyên nhân có thể là do tiểu đường. Tình trạng chân tê hoặc mất cảm giác ở vùng chân, đồng thời những vết loét xuất hiện mà không lành hẳn đều là những triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2. “Điều này làm tăng nguy cơ phát triển chứng loét chân nghiêm trọng do tế bào da bị phá vỡ và làm lộ những lớp da bên dưới. Dần dần, những vết loét này có thể buộc bệnh nhân phải dùng kháng sinh dài hạn và trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ bị đoạn chi”, theo chuyên gia về bệnh tật chân Jake Heath của One Wellness Clinic tại London (Anh).
Móng chân dạng chùy
Hãy cẩn thận, phổi có thể đang gặp vấn đề. “Các vấn đề về tim mạch, phổi hoặc dạ dày – ruột có thể dẫn đến móng chân, tay bị biến dạng thành hình chùy”, theo chuyên gia Heath. Hình dạng sẽ thay đổi và phần móng bị vặn vẹo, nguyên nhân có thể là hàm lượng ô xy trong máu bị tụt mạnh.
Ngón chân trụi lông
Nguyên nhân có thể là bệnh về máu. Dù hiếm có người nào muốn bàn chân rậm rạp như người rừng, ngón chân trụi lủi lông cũng là vấn đề về sức khỏe. Nếu tim lâm vào tình trạng chật vật để bơm đủ máu đến bộ phận xa nhất trên cơ thể, có nghĩa là nên đến bác sĩ kiểm tra tình trạng tuần hoàn máu. Nói tóm lại, bàn chân bị đỏ, trắng hoặc tím với móng chân dày, trụi lông và da mỏng, dễ rách hoặc bóng loáng, tất cả đều có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch vành ngoại biên.
Móng chân dày, méo mó và nhợt nhạt
Bệnh vảy nến là nguyên nhân hàng đầu cho tình trạng móng chân như trên. Vảy nến ảnh hưởng từ 1 – 2% dân số, và có thể liên quan đến stress, thuốc men hoặc di truyền. Đặc biệt là đến phân nửa số bệnh nhân bị chứng da liễu này sẽ có móng chân vặn vẹo. Những triệu chứng khác bao gồm da bong tróc, nhiễm trùng, với các mảng da dày, màu trắng, bạc hoặc đỏ.
Khớp ngón đau
Đây có thể là triệu chứng của bệnh thấp khớp. Những khớp nhỏ ở tay và chân thường là “nạn nhân” đầu tiên bị ảnh hưởng từ căn bệnh trên.
Hậu quả là khớp ngón sẽ không di chuyển dễ dàng như bình thường. Tình trạng này có thể kéo dài vài giờ trước khi thuyên giảm. Khớp cũng có thể bị phồng và chứa dịch, gây khó chịu cho bệnh nhân. Theo thời gian, ngón chân có thể bị tổn thương phần sụn và khớp, dẫn đến mất cử động và gây đau đớn.
Chưa có bình luận.