Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:12

Cấp cứu những trường hợp chảy máu cam cấp tính

Chảy máu cam rất hay gặp và thường chỉ gây khó chịu chứ không phải là vấn đề thực sự. Thường chảy máu cam ở một bên, đôi khi cũng có thể ở cả hai bên. Tại sao lại bị chảy máu cam và làm thế nào để cầm máu khi bị chảy máu cam?

Ở trẻ em và người lớn trẻ tuổi, chảy máu cam thường bắt nguồn từ vách ngăn mũi. Vách ngăn này phân chia các khoang mũi.

Ở người trung niên và người già, chảy máu cam có thể bắt đầu từ vách ngăn nhưng nó cũng có thể bắt đầu ở sâu hơn bên trong mũi. Dạng chảy máu cam này ít gặp hơn nhiều. Nó có thể xảy ra do xơ cứng động mạch hoặc cao huyết áp. Dạng chảy máu cam này khởi phát tự nhiên và thường khó cầm, cần có sự trợ giúp chuyên khoa.

Nhìn chung, đổ máu cam thường do các nguyên nhân sau đây:

– Chấn thương nhỏ (lấy tay ngoáy mũi) hoặc chấn thương mạnh va đập trực tiếp vào mũi (tai nạn, ngã…).

– Viêm đường hô hấp trên (cúm, viêm xoang, hít hơi độc dẫ đến viêm mũi…).

– Lệch vách ngăn mũi, ung bướu (u xơ vòm, ung thư vòm mũi họng), bệnh phình mạch.

– Cao huyết áp hoặc bệnh do rối loạn quá trình đông máu.

– Dị vật: Khi thấy chảy máu và mủ một bên mũi, cần nghĩ đến tình trạng có dị vật ở đường thở.

– Không khí quá khô (độ ẩm thấp).

– Một số trường hợp máu cam đổ không rõ nguyên nhân, máu đột ngột chảy và tự cầm.

Để ngừng chảy máu cam:

– Ngồi thẳng lưng. Giữ thẳng lưng có tác dụng hạ huyết áp ở các tĩnh mạch mũi.

– Bóp chặt mũi. Dùng ngón tay cái và ngón trỏ và thở bằng miệng. Tiếp tục bóp chặt mũi trong 5-10 phút. Động tác này sẽ ép chặt lên điểm chảy máu ở vách ngăn mũi và thường làm máu ngừng chảy.

– Để ngăn chảy máu tái phát sau khi máu đã cầm, không nên ngoáy hoặc xì mũi và không nên cúi trong vòng vài giờ sau khi bị chảy máu. Giữ đầu ở mức cao hơn tim.

–  Nếu chảy máu tái diễn, hãy hít mạnh vào để làm sạch các cục máu đông trong mũi bạn, xịt cả 2 bên mũi bằng thuốc xịt mũi chống sung huyết chứa oxymetazolin (Afrin, Dristan,…). Bóp chặt mũi theo cách đã mô tả ở trên và gọi bác sĩ.

Nên đi khám ngay nếu:

– Chảy máu kéo dài trên 20 phút

– Chảy máu cam sau khi bị tai nạn, ngã hoặc chấn thương đầu, kể cả bị đấm vào mặt có thể gây vỡ mũi.

Nếu bạn thường xuyên bị chảy máu cam, hãy sắp xếp đi khám bác sĩ. Bạn có thể cần đốt mạch máu gây ra hiện tượng chảy máu cam. Đốt điện là một kỹ thuật trong đó mạch máu được đốt bằng dòng điện, nitrat bạc hoặc laser. Đôi khi bác sĩ có thể nút mũi bạn bằng gạc đặc biệt hoặc bóng latex bơm căng để chèn ép vào mạch máu và làm máu ngừng chảy.

Cũng nên gọi cho bác sĩ khi bạn đang bị chảy máu mũi và đang dùng các thuốc chống đông máu, như aspirin hoặc warfarin (Coumadin). Bác sĩ có thể khuyên bạn điều chỉnh thuốc.

Thở ôxy qua ống đặt vào mũi (ống xông) có thể làm bạn bị tăng nguy cơ chảy máu cam. Nên bôi loại dầu nhờn gốc nước vào hốc mũi và tăng độ ẩm trong nhà để giúp giảm chảy máu cam.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook