Cục Y tế Dự phòng vừa cảnh báo, hiện nay ở Lào đang có các ổ dịch bạch hầu nên có nguy cơ lây lan qua biên giới rất cao.
Tại Lào, tính từ tháng 6 đến tháng 10 vừa qua, đã ghi nhận các ổdịch bạch hầu tại 6 trên tổng số 17 tỉnh, thành phố của nước này. Ca bệnh đầu tiên xuất phát tại thủ đô Viêng Chăn hôm 3/6/2015, đến ngày 8/6/2015 được phát hiện dương tính với bạch hầu.
Sau đó, Bộ Y tế nước này phát hiện 6 tỉnh, thành với 29/60 quận huyện khác cũng có trường hợp mắc bạch hầu. Cụ thể Vientiane (11/11 huyện), Savannakhet (6/15), Kammouan (7/10), Thủ đô Vientiane (3/9), Huaphanh (1/10), Luangnamtha (1/5).
Tính đến ngày 27/10 vừa qua, có 588 ca mắc bạch hầu ở Lào. Có 11 trường hợp tử vong do bạch hầu. Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), các trường hợp mắc bạch hầu ở Lào có 61% là trẻ dươi 15 tuổi. hiện nay số trường hợp mắc mới giảm mạnh, chỉ còn ghi nhận một số trường hợp rải rác tại một số tỉnh có số mắc cao như Vientiane, Savannakhet, Kammouan. Các trường hợp mắc ghi nhận ở cả các khu vực đô thị cũng như các khu vực vùng sâu, vùng xa. Đa số các trường hợp mắc đều không điều tra được tiền sử tiêm vắc xin.
Cũng theo Cục này, Bộ Y tế Lào đã tổ chức xử lý ổ dịch, điều tra diện rộng phát hiện các trường hợp mới và tiêm vắc xin bạch hầu cho toàn bộ trẻ dưới 15 tuổi tại các quận huyện mới ghi nhận ca nhiễm bệnh. Ngoài ra, cơ quan y tế Lào yêu cầu các địa phương rà soát số lượng, đối tượng và tỷ lệ tiêm vắc xin bạch hầu.
Cục Y tế Dự phòng cho hay, năm 2015, mới chỉ ghi nhận một số ít trường hợp mắc tại một số thôn, bản vùng sâu, vùng xa của huyện K’Bang thuộc tỉnh Gia Lai và 2 thôn thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn,tỉnh Quảng Nam do người dân không tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên trước sự bùng phát dịch bạch hầu tại Lào, nguy cơ rất lớn dịch có thể lây truyền sang các khu vực thôn bản vùng biên giới và sau đó lan sang các khu vực khác trong nước.
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn. Nguyên nhân do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh có thể găp ở trẻ nhỏ hoặc cả người lớn chưa có miễn dịch. Bệnh này có thể lây qua đường hô hấp, tiếp xúc với chất dịch từ niêm mũi họng của bệnh nhân… Bệnh bạch hầu do vi trùng Corynebact crium diphtheriac gây nên. Vi trùng này thường khu trú ở họng, amiđan, mũi, thanh quản và thường tạo thành màng giả màu trắng. Bệnh hay xảy ra ở trẻ 2-7 tuổi (hoặc lứa tuổi lớn hơn nếu không được tiêm phòng) và lây qua đường hô hấp hoặc qua các đồ dùng, thực phẩm. Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ có nhiều biến chứng, khả năng tử vong cao.
Triệu chứng của căn bệnh này gồm có viêm họng, hắt hơi, họng đỏ, nuốt đau, sốt, ho, chán ăn… các triệu chứng như bị cảm cúm nên nhiều người chủ quan. Sau khi xuất hiện các triệu chứng này khoảng 2-3 ngày, hai bên thành họng có những lớp giả mạc trắng ngà xen xám.
Đặc điểm lớp giả mạc này dễ chảy máu, dính. Ngoài ra, bệnh nhân có thể nhận thấy khó thở, đau khi nuốt và thậm chí cảm giác khó nuốt tăng lên. Bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
Các biến chứng của bạch hầu có viêm cơ tim. Đây là biến chứng phổ biến. Giai đoạn xuất hiện của biến chứng này ở khoảng ngày thứ 2 đến ngày thứ 7, thậm chí có thể muộn hơn.
Biến chứng về thần kinh có thể xảy ra trong ngày thứ 14 của bệnh. Người bệnh mệt mỏi, mắt lác, liệt một trong các chi.
Tất cả trẻ em cần được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Nga Anh
(Theo Congluan)
Nguồn: emdep.vn
Chưa có bình luận.