Các nhà khoa học thống kê hơn 1,1 tỷ người mắc bệnh cao huyết áp, tập trung chủ yếu ở những nước nghèo thuộc khu vực châu Phi và Nam Á.
Huyết áp cao (hay còn gọi là tăng huyết áp) làm tăng thêm áp lực cho các mạch máu và các cơ quan chính như tim, não và thận. Đây là nguyên nhân hàng đầu thế giới gây ra bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ và đau tim. Theo ước tính, căn bệnh này sẽ gây ra 7,5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng hàng trăm nhà khoa học quốc tế được đăng trên trang Reuters ngày 15/11. Theo thống kê, số người bị cao huyết áp đã tăng gần gấp 2 lần trong 40 năm và chạm mốc hơn 1,1 tỷ người trên toàn thế giới.
Có 1,1 tỉ người bị cao huyết áp trong tổng số hơn 7 tỉ dân trên toàn thế giới năm 2015. Ảnh:vaheart.org.
Đây là nghiên cứu lớn nhất của loại hình phân tích huyết áp được tổng hợp ở tất cả các quốc gia trên thế giới từ năm 1975 đến năm 2015. Các nhà khoa học nói rằng tỷ lệ người cao huyết áp đã giảm mạnh ở các nước giàu (có thể do chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh) nhưng tỷ lệ này gia tăng ở các nước nghèo hơn. Điều đó thể hiện ở châu Phi và Nam Á.
Hàn Quốc, Mỹ và Canada có tỷ lệ bệnh cao huyết áp thấp nhất thế giới. Năm 2015, tại châu Âu, Anh là nước có tỷ lệ người cao huyết áp thấp nhất.
Nghiên cứu ước tính có hơn 50% số người bị huyết áp cao vào năm 2015 sống ở châu Á. Khoảng 226 triệu người ở Trung Quốc mắc căn bệnh này, con số này ở Ấn Độ là 200 triệu người.
Majid Ezzati, một giáo sư của trường Y tế công cộng Imperial College London (Anh), cho biết: “Năm 1975, cao huyết áp không liên quan đến sự sung túc nhưng giờ đây nó là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có mối liên hệ với sự đói nghèo”.
Tình trạng cao huyết áp xuất phát từ một số yếu tố bao gồm cả chế độ ăn nhiều muối, ít trái cây, rau quả cũng như lười tập thể dục.
Nguyễn Thao
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.