Thứ Sáu, 04/08/2017 | 15:00

Thích ăn những đồ ăn tái, nem chua, gỏi, rau sống đã khiến nhiều người dắt díu nhau vào viện trong tình trạng gan bị áp xe, đi ngoài tới kiệt sức…

Đồ ăn sống nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao

Mới đây, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 70 tuổi (Ý Yên, Nam Định) bị áp xe gan do nhiễm sán lá gan. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao và đau nhiều vùng gan được tuyến dưới chẩn đoán áp xe gan không rõ nguyên nhân.

Bệnh nhân có những triệu chứng sốt cao, rét run có biểu hiện bệnh lý nhiễm trùng, kiểm tra ổ bụng vùng gan của bệnh nhân rất đau, men gan cũng như xét nghiệm cho thấy Bilirubin máu tăng cao. Kết quả xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán là dương tính với sán lá gan. Bệnh nhân có thói quen ăn đồ gỏi, rau sống.

Căn bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm do ký sinh trùng thâm nhập qua cách ăn uống cực kỳ sai lầm nhiều người mắc

Bệnh nhân bị sán gan điều trị tại BV Bạch Mai.

TS.BS Đoàn Thu Trà – Trưởng Phòng Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thời gian gần đây khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là sán lá gan lớn, giun lươn. Tính tháng 2 – tháng 6 năm 2017, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân nhiễm giun lươn trong các biểu hiện bệnh lý về tiêu hóa, phổi, ổ bụng…

Nguyên nhân dẫn tới các ca bệnh nặng nhiễm ký sinh trùng tăng là do vệ sinh cá nhân, môi trường không đảm bảo, thói quen ăn đồ ăn tái, rau sống, tiết canh, gỏi, nem chua.

Ký sinh trùng có thể ký sinh ở nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể và gây ra những tình trạng khó chịu. Nếu nhiễm ở trong máu có thể gây ra ngứa da, dị ứng, nổi mày đay như bệnh da liễu. Khi sinh trùng theo máu có thể ký sinh ở mắt gây hỏng mắt, ký sinh não gây ra bệnh viêm não và tử vong, ký sinh ở các tạng gan, thận, tim… có thể làm giảm chức năng, áp xe gây đau đớn. Bệnh nhân không được cấp cứu và điều trị đúng có thể dẫn tới tử vong.

Theo TS.BS Đoàn Thu Trà, nhiễm ký sinh trùng ở Việt Nam không chỉ do thói quen ăn uống, sinh hoạt mà còn bị nhiễm từ động vật. Ví dụ như nhiễm giun đũa từ chuột có thể gây ra bệnh lý về viêm màng não do Angiostrongylus cantonesis (một loài giun đũa chuột gây nên).

“Tổn thương do giun đũa chuột tại Việt Nam tỷ lệ gặp tương đối nhiều trong các bệnh nhân viêm màng não, đặc biệt là các bệnh nhân viêm màng não không tìm rõ căn nguyên”, TS.BS Đoàn Thu Trà nói.

Bệnh ký sinh trùng thường bị chẩn đoán sai

TS. BS Trà khuyến cáo, bệnh lý về giun sán hiện nay thường bị chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Trong một số trường hợp chẩn đoán viêm màng não hoặc một số bệnh chưa rõ căn nguyên, nếu bệnh nhân có kèm theo các bệnh lý tiêu chảy kéo dài, có bệnh lý về áp xe gan thì nên sàng lọc để phát hiện các nguyên nhân do ký sinh trùng. Các bệnh lý do ký sinh trùng nếu không chẩn đoán đúng, việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng, gây kháng thuốc và tốn kém cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Ngược lại nếu chẩn đoán đúng thì việc điều trị nhiều khi lại rất đơn giản với chi phí không nhiều.

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook