Thứ Hai, 09/04/2018 | 14:20

Xã hội phát triển hiện đại, văn minh nâng cao chất lượng sống của con người. Tuy nhiên một bộ phận nhỏ trong giới trẻ học đòi, bắt chước những trào lưu xấu gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe…

Bóng cười xuất hiện tại Việt Nam vào thời điểm nào?

Bóng cười được coi là thú vui xả stress, mang lại hưng phấn, tiếng cười cho người sử dụng tuy nhiên nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khoẻ con người.

Bóng cười – funkyball xuất hiện ở các quán bar, karaoke ở Hà Nội từ năm 2014. Dọc trên các tuyến phố đi bộ Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, Hàng Buồm…dễ dàng bắt gặp bóng cười được bán công khai tại các quán bia, cà phê vỉa hè, thậm chí gần trường học.

Trên thế giới, bóng cười đã được các bác sĩ cảnh báo gây ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất có thể dẫn tới trầm cảm hoặc tử vong.

Cách thực hiện bơm khí cười N20 vào bóng bay, sau đó hít vào và thổi ra khoảng 4-5 lần. Khí cười N2O sẽ theo khí quản vào trong phổi, dần dần thấm vào máu rồi đi lên não, tác động đến hệ thần kinh. Các phản ứng của bộ não sẽ khiến cho người hít khí bật cười thích thú.

Tổn thương tủy sống vì hít bóng cười

Sau khi hít 20 quả bóng cười mỗi lần, một nam thanh niên hơn 20 tuổi ở Hà Nội bị tê bì bàn chân tay, đi lại không vững và phải nhập viện.

Đại diện Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết bệnh nhân bị rối loạn vận động, ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười trong một thời gian dài. Các biểu hiện kèm theo gồm rối loạn cảm giác và giảm vận động, có cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay hai bên, đi lại không vững. Đặc biệt qua khám lâm sàng và xét nghiệm còn thấy bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ khá nhiều, mất chất liệu tủy sống.

Bệnh nhân cho biết, trước đó hơn 1 năm thường xuyên hít bóng cười. Thời gian đầu dùng ít, chỉ 1-2 quả một lần và có cảm giác “phê”. Dần dần số lượng dùng ngày một tăng, đến thời điểm trước khi nhập viện, bệnh nhân có thể hít lên tới 20 quả một lần chơi và sử dụng bóng cười diễn ra thường xuyên hơn.

Theo bác sĩ Nguyên đây là trường hợp điển hình của ngộ độc khí ôxít nitơ N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh. Nguyên nhân do “Bóng cười thực chất là những trái bóng được bơm khí N2O. Sau khi hít khí trong bóng cười này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch. Chỉ riêng cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy, và nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này”.

Khí cười thuộc nhóm chất gây nghiện, gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Thống kê cho thấy trung tâm chống độc từng tiếp nhận nhiều bạn trẻ nhập viện điều trị trong tình trạng tương tự vì vậy các bạn trẻ không nên sử dụng bóng cười. Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh “Với tính chất nguy hiểm có trong bóng cười là gây tổn thương thần kinh, gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm… vì vậy các bạn trẻ không nên sử dụng các khí này. Việc giải trí bằng bóng cười sẽ dẫn đến phụ thuộc và dần gây nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm”.

Cái kết đắng: Tổn thương tủy sống vì hít bóng cười

Theo Nld.com.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook