Thứ Tư, 28/06/2017 | 10:25

Theo các chuyên gia ho, sổ mũi có thể tự khỏi nếu chăm sóc đúng cách. Áp dụng theo phương pháp sai lầm có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Điều trị ho bằng cách hơ ngải cứu và dán cao

Trong những ngày thời tiết nắng nóng, các mẹ thường than phiền dùng điều hòa suốt đêm khiến trẻ bị ho và sổ mũi. Để điều trị sổ mũi và ho do bị nhiễm lạnh, trên mạng xã hội các mẹ truyền nhau phương pháp trị dứt ho và sổ mũi chỉ sau 3 ngày.

Theo cách làm này, nguyên liệu để trị ho rất đơn giản, dùng ngải cứu nghiền nhỏ phơi khô, vo thành điếu (điếu ngải) và cao dán. Phương pháp trị ho này được các mẹ trên mạng gọi là “diện chẩn”, khả năng trị ho 80% sau 2 ngày và khỏi 100% sau 3 ngày.

Cách trị họ sai lầm đang được các mẹ lan truyền trên mạng xã hội, tuyệt đối không tự tiện làm theo

Theo video hướng dẫn được các mẹ lan truyền trên mạng, khi trẻ bị ho dùng điếu ngải hơ trên vùng mũi, ngực, lòng bàn chân, cổ tay, sau lưng. Hơ xong sẽ dán cao vào các huyệt ở hai bên mũi, mang tai, lòng bàn chân, cổ tay… Để phát huy công dụng các mẹ khuyên nên dán cao vào buổi tối trước khi đi ngủ và để qua đêm. Với cách làm này, các mẹ khẳng định sẽ không phải dùng thuốc kháng sinh mà trẻ vẫn khỏi ho.

Dùng bừa bãi nguy hiểm khôn lường

GS.TS. Dương Trọng Hiếu, bác sĩ chuyên khoa II Y học Cổ truyền cho biết, ngải cứu là một phương pháp điều trị các chứng hàn chứng của của y học cổ truyền. Để điều trị được phải được đào tạo bài bản và điều trị đúng theo chỉ định. Người không được học bài bản và chỉ định mà dùng bừa bãi có thể nguy hiểm cho tính mạng.

Đối với trẻ nhỏ, khi đốt một điếu ngải lên khiến trẻ hít phải khói. Mọi loại khói đều không tốt cho hệ hô hấp của trẻ. Vì vậy, các bà mẹ không nên tùy tiện áp dụng các biện pháp truyền miệng hay chia sẻ trên mạng xã hội cho con. Trong trường hợp trẻ ho, sổ mũi do lạnh thì chỉ cần giữ ấm cho cơ thể, bệnh sẽ tự hết.

Đồng quan điểm với GS. Dương Trọng Hiếu, Ths.BS Dương Văn Tâm, Trưởng Khoa Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện châm cứu Trung ương) cho rằng, ngải cứu có tính ấm, vị cay có tác dụng điều hòa kinh mạch. Điếu ngải thường được sử dụng để châm cứu trong Đông y. Tuy nhiên, hơ điếu ngải phải cẩn trọng khi dùng cho trẻ con. Hiện nay, khi châm cứu cho trẻ nhỏ tại bệnh viện thường dùng đèn hồng ngoại chiếu thay cho hơ điếu ngải.

Nếu trẻ bị sổ mũi và ho cần phải đi tìm nguyên nhân để điều trị. Việc hơ điếu ngải dán cao điều trị không đúng cách có thể dẫn tới hậu quả khôn lường cho trẻ nhỏ.

Theo PGS.TS. BS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, sổ mũi và ho thường do virut gây ra, bệnh có thể tự khỏi. Triệu chứng bệnh có thể kéo dài tới 7 ngày hoặc dài hơn tùy thuộc vào loại virut bị nhiễm.

Nói về phương pháp hơ điếu ngải và dán cao để trị sổ mũi và ho dứt điểm sau 3 ngày. Bác sĩ Dũng khuyến cáo trong ngải cứu có tinh dầu khi đốt hít phải sẽ không tốt cho trẻ nhỏ. Tất cả các loại tinh dầu dù có nguồn gốc tự nhiên tuyệt đối không được dùng cho trẻ dưới 5 tuổi. Niêm mạc mũi của trẻ rất mỏng manh hít phải tinh dầu có thể gây ra ngộ độc.

Về hành động dán cao lên nhiều bộ phận cơ thể trẻ, bác sĩ Dũng cho rằng cực kỳ nguy hiểm và có thể gây ngộ độc với trẻ.

“Không ai dùng cao dán để điều trị ho vì tác dụng của cao dán là để giảm đau, chống viêm”, PGS.TS Dũng nói.

Khi trẻ ho, sổ mũi nên chăm sóc dinh dưỡng, uống nước đầy đủ để trẻ nâng cao sức đề kháng sẽ khỏi bệnh nhanh. Trong trường hợp trẻ bị ho sổ mũi kèm theo sốt cao không dứt cần phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa sớm.

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook