Thứ Tư, 25/05/2016 | 09:00

Vitamin D là gì?

Vitamin Dlà một nhóm các secosteroid tan được trong chất béo, giúp hấp thụ tốt hơn canxi và phosphat ở đường ruột. Ở trẻ, các hợp chất quan trọng nhất trong nhóm này là vitamin D3 và vitamin D2. Vitamin D được đưa vào cơ thể qua đường ăn uống và dùng thuốc. Cơ thể cũng có khả năng tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đây gọi là “vitamin ánh nắng”.

Cách thức tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời

Tại sao phải tổng hợp vitamin D?

+Vitamin D giúp xương chắc khỏe nhờ điều phối chuyển hóa canxi;

+ Vitamin D tăng cường khả năng của hệ miễn dịch, giúp hệ miễn dịch kích hoạt các chức năng phòng vệ của cơ thể, bằng cách trang bị vũ khí cho các tế bào T. Đây là loại tế bào có nhiệm vụ tìm và tiêu diệt các vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể gây bệnh;

+ Vitamin D giúp kiểm soát, điều phối các mô và tế bào trong cơ thể.

Tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời là như thế nào?

Tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời là hình thức cho da được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Dưới da đã có sẵn tiền tố vitamin D, khi da được tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời sẽ chuyển sang dạng vitamin D.

Cách tắm nắng:

+ Thời điểm tắm nắng thích hợp nhất là trước 9h sáng và sau 5h chiều;

+ Thời gian tắm nắng cho trẻ khoảng từ 15 đến 30 phút;

+ Nếu tắm nắng trong phòng thì bố mẹ cần mở cửa để ánh nắng chiếu rọi vào, tiếp xúc trực tiếp với da trẻ;

+ Bố mẹ chỉ nên cho trẻ bắt đầu tắm nắng từ ngày thứ 10 sau khi sinh. Vì lúc này, cơ thể của trẻ đã bắt đầu thích nghi với môi trường bên ngoài. Ngày đầu tiên, bố mẹ cho trẻ tắm nắng từ chỗ râm mát rồi dần ra chỗ nắng, thời gian tắm khoảng 10 phút, tắm nắng chủ yếu ở tay, chân. Từ ngày thứ hai, cách tắm vẫn như ngày đầu nhưng thời gian tắm tăng thêm 1 phút. Lặp lại cách tắm như trên cho đến ngày thứ 30. Sau 20 ngày làm quen với môi trường tắm nắng, bố mẹ có thể duy trì thời gian tắm nắng cho trẻ khoảng 30 phút/ngày. Mỗi lần tắm nắng, bố mẹ nên thay đổi lần lượt các vị trí cho da tiếp xúc với ánh nắng như chân, tay, bụng, mông, ngực, lưng. Khi tắm nắng, bố mẹ cần giữ ấm cơ thể trẻ. Ví dụ, khi tắm nắng ở chân trẻ thì các bộ phận khác như bụng, lưng, mông, ngực vẫn phải mặc quần áo.

Những lưu ý khi cho trẻ tắm nắng:

+ Địa điểm tắm nắng phải sạch sẽ, thoáng mát, tránh gió lùa;

+ Nên tắm nắng cho trẻ trong những ngày thời tiết thuận lợi để tránh việc trẻ bị nhiễm bệnh;

+ Không nên để nắng chiếu thẳng vào đầu và mặt trẻ;

+ Chỉ nên tắm nắng từng bộ phận trên cơ thể trẻ. Thời gian tắm tăng dần theo ngày, nhưng không nên quá 30 phút/ ngày;

+ Về mùa lạnh, bố mẹ nên cho con tắm nắng muộn hơn vào buổi sáng hoặc sớm hơn vào buổi chiều để con không bị nhiễm lạnh;

+ Tùy vào từng độ tuổi khác nhau mà cách tắm và thời gian tắm cũng khác nhau. Ví dụ: trẻ sơ sinh không nhất thiết phải bế ra phơi nắng trực tiếp ngoài trời, mà có thể phơi nắng ngay trong phòng hoặc hành lang, nếu có ánh nắng chiếu rọi vào. Thời gian tắm nắng cho trẻ tăng dần theo ngày tuổi.

Việc tắm nắng hằng ngày sẽ tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, giúp trẻ phòng tránh được một số bệnh ngoài da, giúp hệ xương phát triển khỏe mạnh, vững chắc.

Hùng Đinh

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook