Sáng lạnh, trưa nắng nóng, thời tiết thay đổi đột ngột khiến nhiều người bị đau đầu. Làm sao để nhanh thoát khỏi triệu chứng khó chịu này?
Ai hay mắc đau đầu khi thời tiết thay đổi
Theo BS Ngọc Bình (Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba), chứng đau đầu do thời tiết thay đổi (nhiệt độ chênh lớn giữa ngày và đêm, thời tiết nóng lạnh thất thường, mưa phùn ẩm ướt…) người mẫn cảm rất dễ mắc. Các bác sĩ nhận thấy, nếu nhiệt độ ngày tăng – giảm đột ngột khoảng 5 độ C thì hôm sau số người cần điều trị đau đầu tăng cao gấp rưỡi so bình thường. Hoặc khi áp suất không khí giảm (thường là trước khi trời mưa), thì 48-72 giờ sau, số người đau đầu vào viện sẽ gia tăng. Có thể hiểu là do cơ thể không thích nghi kịp với sự thay đổi của thời tiết, khiến máu lên não không điều độ, gây ra chứng đau đầu từ nhẹ đến dữ dội, gây khó chịu và ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống
Ai cũng có thể đau đầu do thời tiết, kể cả trẻ nhỏ, lẫn thanh thiếu niên, nhất là những người cơ địa quá mẫn cảm với thời tiết hay bị đau nhức đầu mỗi khi thời tiết thay đổi dù rất nhỏ. Phụ nữ, người già, người huyết áp thấp… là những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải chứng đau đầu này.
“Cắt” cơn đau đầu khó chịu
Đau đầu do thời tiết chỉ sau vài giờ là khỏi, nhưng nó rất khó chịu vì gây phiền toái, không thể tập trung làm việc, học hành, nhất là với những người làm nghề lái xe, điều khiển máy móc…
Để có thể sớm “cắt” cơn đau đầu, BS Ngọc Bình khuyên, ngay khi xuất hiện chứng đau đầu nên nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, tư thế chân cao hơn đầu để máu lưu thông lên não tốt hơn. Sau đó nghỉ ngơi, ăn uống điều độ. “Người bệnh cần chú ý là chỉ uống thuốc giảm đau Paracetamol khi cơn đau đầu quá dữ dội và cần có y lệnh của bác sĩ để tránh tác dụng phụ và nhờn thuốc”, BS Ngọc Bình cho biết thêm.
Nên day ấn huyệt thái dương, phong trì, bách hội để giảm đau đầu. Ảnh Hà Dương |
BS Trần Anh Tuấn (Bệnh viện Y học cổ truyền Nam Á, Hòe Nhai, Hà Nội), Đông y có các biện pháp để “cắt” cơn đau đầu. Các bác sĩ Đông y thường dùng biện pháp xông hơi trị chứng đau đầu và các bệnh do thời tiết trở trời bằng các loại lá thuốc thảo dược. Bên cạnh đó, có thể “cắt” cơn đau đầu bằng xoa bóp, bấm huyệt, vận động thư giãn… hoặc kết hợp massage với dầu thảo dược rất hiệu quả.
Nếu mới chớm đau đầu, người dân có thể tự “cắt” cơn cho mình bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ bấm 2 huyệt ở hai đầu trong của hai lông mày, rồi di theo cung lông mày đến 2 huyệt thái dương, ấn huyệt bách hội ở đỉnh đầu, sau đó khum hai bàn tay chải tóc sát da đầu xuôi xuống mỗi lần 5-10 phút. Hoặc đơn giản là khi đau đầu hãy xoa ấn huyệt thái dương, ấn đường, phong trì và bách hội… để nhanh giảm cơn đau đầu.
Trong dân gian có nhiều cách chữa đau đầu do trở trời, do lạnh bằng cách dùng đồ bạc đánh gió vùng trán, lông mày, thái dương và xoa bóp vùng da đầu, gáy. Hoặc ngâm tay trong nước ấm nóng, uống trà gừng hoặc nước đường sẽ giảm đau đầu do trời lạnh. Hoặc dùng khăn bông nhỏ nhúng dấm trắng rồi vắt nhẹ, đắp lên trán, nhắm mắt thư giãn 15 phút. Có thể đốt nến có tinh dầu bạc hà, oải hương trong phòng cũng giúp dần giảm bớt cơn đau đầu.
Hiện y học chưa có biện pháp nào điều trị dứt điểm chứng đau đầu do thời tiết thay đổi, mà chỉ điều trị triệu chứng bằng các thuốc giảm đau khi bị đau đầu dữ dội như Paracetamol. Nhưng người dân không nên cứ đau đầu là lạm dụng dùng thuốc giảm đau, bởi dùng bừa bãi sẽ bị hiệu ứng ngược, đau đầu do thời tiết sẽ xuất hiện nhiều hơn, đau hơn, khó điều trị hơn và phải uống nhiều thuốc hơn, chưa kể nguy cơ gặp những tác dụng phụ của thuốc giảm đau như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận…
Nhiều trẻ em sức đề kháng yếu, tinh thần (lo âu, stress, học quá sức, căng thẳng thần kinh kéo dài) cũng dẫn đến đau đầu… Khi thấy trẻ kêu đau đầu, nên hỏi kỹ xem con đau vùng nào, kèm triệu chứng khác thường gì (như vùng đầu đau, có hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì, mờ mắt…) cần sớm đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa. Nếu không kịp đưa đi khám mà trẻ bị đau đầu dữ dội, có thể cho trẻ uống các thuốc giảm đau tạm thời như Paracetamol (nhưng cần có chỉ định về liều lượng của bác sĩ). Ngoài những biện pháp đơn giản trên nếu không “cắt” được cơn đau đầu thì cần nhanh chóng tới bác sĩ để được điều trị sớm và đúng cách.
Phòng đau đầu đơn giản, hiệu quả
BS Ngọc Bình khuyên, để phòng tránh đau đầu do thay đổi thời tiết mỗi khi chuyển mùa, người dân ngoài tăng cường thể lực bằng tập thể dục, dưỡng sinh, đều đặn để chống chọi với thời tiết, giải tỏa được stress và đẩy lùi cơn đau đầu tái phát.
Những ngày thay đổi thời tiết, nhất là khi trời trở lạnh cần mặc đủ ấm, giữ ấm chân và tai nếu không sẽ đi tiểu nhiều sinh mất nhiệt dẫn đến đau đầu. Không nên sợ vướng víu, xấu mà lười đội mũ, quàng khăn, bởi khăn và mũ giúp che phần trán, đỉnh đầu, hai bên tai và cổ sẽ tránh được bị đau đầu.
Ăn uống nên dùng thực phẩm khi còn nóng. Hạn chế ăn các loài sống dưới bùn, nước như lươn, trạch, nghêu, sò, ốc hến… Tăng cường vào thực đơn những thực phẩm giàu vitamin bằng rau củ, hoa quả (chuối, nước chanh, cam…), thuốc bổ vitamin B1, B2, B6, B12… để bồi bổ, giúp cơ thể thoát khỏi trạng thái mệt mỏi, đau đầu, kém tập trung.
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày nhằm điều hòa cơ thể hiệu quả (khoảng 1/2 – 1 cốc nước 230 -250 ml mỗi giờ, không nên uống đồ quá lạnh khi chuyển mùa.
Ngoài ra cần tránh đi lại ở những chỗ đông người, nơi ồn ào, không khí ngột ngạt… dễ dẫn đến bị tụt huyết áp và hay gây ra những cơn đau đầu.
Ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, tránh làm việc căng thẳng để không tạo cơ hội cho cơn đau đầu xuất hiện.
Theo Uyển Hương/Báo Gia Đình Xã Hội
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.