Thứ Năm, 06/06/2019 | 15:19

Các bước thực hiện nội soi dạ dày và những điều cần biết trước khi tiến hành nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày là cách thăm khám bệnh duy nhất để chẩn đoán bệnh chính xác nhất đối với bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, nội soi dạ dày sẽ giúp biết được rõ tình trạng của bệnh để có cách điều trị hợp lý.

Nội soi dạ dày là tên gọi tắt của một thủ thuật, bao gồm: nội soi thực quản, dạ dày và tá tràng, được áp dụng để thăm khám bên trong đường tiêu hóa nhờ một camera được gắn ở ngay đầu ống nội soi mềm, đường kính tầm 1cm luồn vào dạ dày qua đường miệng. Thông qua các hình ảnh từ camera ở đầu ống soi thu được, bác sĩ có thể chẩn đoán các bệnh lý thực quản, dạ dày, tá tràng và sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Nội soi dạ dày thường có 2 phương pháp: nội soi gây mê và nội soi không gây mê. Thủ thuật này được áp dụng rộng rãi để chẩn đoán và điều trị những bệnh lý về thực quản, dạ dày và tá tràng .

Nội soi không gây mê: Nội soi không được gây mê thường đem lại cảm giác khó chịu khi ống soi bắt đầu đưa vào dạ dày, khi rút ra bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu, buồn nôn. Do đó, những bệnh nhân đi nội soi dạ dày bác sĩ khuyến cáo là không được ăn uống gì trước khi tiến hành nội soi.

Nội soi gây mê: là phương pháp nội soi có kèm theo thuốc mê nhằm làm mất cảm giác đau đớn và khó chịu ở bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra một số rủi ro do đó chỉ được áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Các bước chuẩn bị cho việc nội soi dạ dày không gây mê

– Trước khi nội soi dạ dày:

Bệnh nhân nhịn ăn trước 6 giờ, uống thuốc tan bọt để cho dạ dày sạch, thuận lợi cho việc nội soi.

Trước khi nội soi thông báo với bác sĩ kết quả đã có, các bệnh lý khác nếu có

– Trong khi nội soi dạ dày

Bước 1: Bệnh nhân nằm lên bàn soi, nằm im thả lỏng người, nghiêng sang trái, hai bàn tay ôm bụng, chân co, chân duỗi

Bước 2: Bệnh nhân sẽ được ngậm canuyn (một miếng ngáng miệng)

Bước 3: Bác sĩ tiến hành đưa ống soi vào miệng bệnh nhân đi qua thực quản và xuống dạ dày – tá tràng, một camera rất nhỏ ở đầu ống nội soi sẽ truyền hình ảnh bên trong tới một màn hình bên ngoài. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát trên màn hình để tìm ra các bất thường, sau đó sẽ chụp và ghi lại để kiểm tra.

Bước 4: khi cuộc soi kết thúc, bác sĩ sẽ rút ống soi ra.

Thời gian nội soi trung bình từ 3 – 5 phút với những dạ dày bình thường, có thể lâu hơn nếu có bệnh lý.

Lưu ý:

Trong quá trình nội soi, máy soi sẽ được đưa qua họng nên gây kích thích, bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi đau, khó chịu muốn ho hay sặc, nặng hơn là nghẹn thở. Do đó bệnh nhân cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ vì để cuộc soi được dễ chịu hơn.

+ Hít thở nhẹ nhàng, thở đều để giảm kích thích

+ Nên thở bằng miệng đặc biệt khi bị ngạt mũi

Các bước chuẩn bị cho việc nội soi dạ dày gây mê

– Trước khi nội soi dạ dày:

Bệnh nhân nhịn ăn trước 6 giờ, uống thuốc tan bọt để cho dạ dày sạch, thuận lợi cho việc nội soi.

Trước khi nội soi, bác sĩ gây mê sẽ kiểm tra tiền sử bệnh nội khoa, ngoại khoa của bệnh nhân, và cả các loại thuốc kể cả thực phẩm chức năng mà bệnh nhân đang sử dụng.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy chấp thuận để xác nhận rằng mình đã hiểu rõ những rủi ro có thể xảy ra khi nội soi cũng như đồng ý thực hiện thủ thuật này. Nếu bệnh nhân còn thắc mắc điều gì liên quan tới thủ thuật nội soi, các rủi ro, cách thực hiện,… thì nên hỏi lại bác sĩ để được giải thích cặn kẽ.

Ngừng dùng một số loại thuốc nhất định: cần ngưng sử dụng thuốc chống đông vài ngày trước khi nội soi vì chúng sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết (trong trường hợp cần làm một số thủ thuật trong quá trình nội soi). Nếu bệnh nhân có bệnh lý mãn tính (tiểu đường, bệnh tim mạch hay huyết áp cao) thì bác sĩ gây mê sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân về các loại thuốc đang dùng.

Trong khi nội soi dạ dày:

Bước 1: Bệnh nhân sẽ nằm nghiêng bên trái và tất nhiên là sẽ có các thiết bị hỗ trợ được gắn trên người bệnh nhân để theo dõi nhịp thở, huyết áp và nhịp tim.

Bước 2: Nếu là nội soi dạ dày gây mê thì bệnh nhân sẽ được truyền thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch trên cánh tay.

Bước 3: Khi ống nội soi đi qua thực quản và xuống dạ dày, một camera rất nhỏ ở đầu ống nội soi sẽ truyền hình ảnh bên trong tới một màn hình bên ngoài. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát trên màn hình  để tìm ra các bất thường, sau đó sẽ chụp và ghi lại để kiểm tra.

Bước 4: Kết thúc quá trình nội soi dạ dày, bệnh nhân sẽ có cảm giác căng tức hoặc đầy hơi. Vì trước đó, không khí được bơm nhẹ vào thực quản để làm căng phồng ống tiêu hoá, giúp ống nội soi di chuyển dễ dàng hơn và bác sĩ có thể quan sát rõ hơn những nếp gấp của ống tiêu hoá.

Trung bình, cả thời gian chuẩn bị và nội soi dạ dày gây mê thường kéo dài khoảng 20 phút.

Một số phản ứng có thể gặp khi của nội soi dạ dày.

Nội soi dạ dày là một thủ thuật an toàn trong y khoa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể găp phải môt số biến chứng do nội soi dạ dày gây ra, bao gồm:

+ Hít sặc thức ăn hay dịch dạ dày vào phổi

+ Xuất huyết

+ Nihễm trùng

+ Rách hoặc thủng đường tiêu hóa trên (Biến chứng này rất hiếm khi xảy ra – chỉ có khoảng 3 – 5 rủi ro trên tổng số 10.000 trường hợp nội soi chẩn đoán)

Lưu ý:

Nội soi dạ dày qua đường miệng sẽ khó tránh gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Vậy nên, thuốc gây mê được khuyến khích sử dụng trong trường hợp này để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

Đối với thủ thuật này, bệnh nhân chỉ cần nhập viện trong ngày để được thực hiện tại phòng nội soi. Trong trường hợp nội soi có sử dụng thuốc gây mê, bệnh nhân nên có kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý. Vì khi thuốc gây mê hết tác dụng, bệnh nhân sẽ có thể cảm thấy tỉnh táo nhưng phản xạ của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tạm thời.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook