Thứ Bảy, 12/09/2015 | 02:19

(Tin tức) – Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), sáng 11-9, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc SXH, trong đó đã có 18 trường hợp tử vong tại 10 địa phương.

Họp báo về tình hình sốt xuất huyết sáng 11-9
Họp báo về tình hình sốt xuất huyết sáng 11-9

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc SXH tại 50/53 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Nam, là nơi có tập quán trữ nước, khu đô thị, công trường xây dựng và khu dân cư đông đúc như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu. Số mắc năm 2015 mặc dù có xu hướng tăng hơn cùng kỳ năm 2014 (là năm có số mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua) nhưng so với giai đoạn 2009-2013 vẫn thấp hơn.

Các trường hợp tử vong do SXH là 18 trường hợp ghi nhận tại 10 tỉnh, chủ yếu tập trung tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Y tế nhận định tình hình SXH năm 2015 sẽ tăng cao nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế cũng đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch năm 2015, trong đó tập trung vào các tỉnh có nhiều nguy cơ SXH. Lý giải về nguy cơ dịch bệnh SXH dễ có khả năng bùng phát trong năm nay, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam số mắc SHX trung bình hằng năm dao động từ 50.000 đến 100.000 trường hợp.

Chu kỳ dịch lớn thường xuất hiện từ 4 đến 5 năm một lần. Tại miền Nam số mắc thường tăng cao vào mùa mưa và miền Bắc từ tháng 4 đến tháng 10 là thời gian có điều kiện thuận lợi về nhiệt độ và có nhiều dụng cụ chứa đọng nước mưa tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển. Virus truyền bệnh SXH có tới 4 týp và một người khi mắc bệnh với 1 týp thì chỉ có miễn dịch với týp đó mà thôi.

Chính vì vậy người đó vẫn có khả năng mắc bệnh khi nhiễm các týp virus khác. Tại Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, năm 2014 là năm dịch SXH có số mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua, vì vậy năm 2015 được nhận định dịch sẽ có khả năng diễn biến phức tạp và số mắc có thể tăng lên so với năm 2014.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh lưu hành trên 100 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới như vùng Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, Châu Mỹ, Châu Phi với khoảng 3,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) ghi nhận, mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do SXH khoảng 2,5-5%. Đến nay, SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Người dân hãy nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng bằng cách khơi thông cống rãnh, phun thuốc muỗi tại hộ gia đình và khu dân cư theo định kỳ.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý, đa số các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng bệnh đã nặng vì tự điều trị ở nhà, thậm chí có trường hợp đã có biến chứng nguy hiểm.Trong khi đó, do SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh, dẫn tới bệnh nặng, có biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa… đe dọa tới tính mạng.

Để tránh tình trạng bệnh nặng hoặc có biến chứng mới vào viện điều trị, PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra lời khuyên, những bệnh nhân bị sốt đột ngột, kèm theo triệu chứng đau đầu, đau mỏi toàn thân, cơ thể có chấm đỏ ở ngoài da, chảy máu răng lợi hoặc chảy máu cam… thì nên đến các bệnh viện để được khám và chẩn đoán kịp thời.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook