Thứ Hai, 26/06/2017 | 17:55

Tưởng cách này sẽ khiến bé sợ hãi và lần sau không tái phạm nhưng lại là hành động phản khoa học.

Mới đây sự việc về cháu bé Ngọc A. (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị treo lên xà nhà gây xôn xao dư luận. Đối tượng treo cháu bé lên xà nhà là Nguyễn Thị Phượng (mẹ nuôi cháu Ngọc A.). Hoàn cảnh cháu bé khá đáng thương có bố đang thụ án chung thân còn mẹ bị 8 năm tù giam. 

Được biết, mới nhỏ tuổi nhưng bé rất hiếu động, nghịch ngợm và thường trộm cắp. Do Phượng phát hiện bé Ngọc A. ăn sữa nên mới phạt như vậy.

Chấn động tâm lý

Nói đến sự việc này, nhiều người cho rằng, chưa biết em bé sai ở chỗ nào nhưng người lớn không được làm như vậy. Có thể thấy được sự sợ hãi khi phải đối mặt với tình huống không ngờ tới của cháu bé. Sự sợ hãi đó sẽ là nỗi ám ảnh của em bé.

Buộc tay trẻ lên xà nhà để phạt: Bác sĩ cảnh báo những nguy cơ với sức khỏe từ việc làm sai lầm này

Chị Thanh (Một người đang nuôi con nhỏ) cho biết: “Sự sợ hãi của em bé là tất nhiên. Dù trẻ có nghịch hay lỳ lợm thì khi bị treo lên xà nhà cũng cảm thấy sợ. Sợ đầu tiên là tình huống treo lên trong khi phía dưới không có ai đỡ và cảm giác như sắp rơi xuống. Nỗi sợ nữa là bị rơi xuống và chấn thương. Tiếng khóc của em bé thực sự ám ảnh”.

Chuyên gia tâm lý Thu Hương cho rằng, hành động đó là cách giáo dục phản cảm. Không thể cho trẻ hiểu được bài học và lỗi sai bằng cách trừng phạt. Quan niệm đòn đau nhớ lâu là sai lầm. Người lớn thay vì ép buộc trẻ phải suy nghĩ theo mình thì phải có cách để giải thích cho trẻ hiểu lỗi sai chứ không phải đánh đập, mắng mỏ hay buộc trẻ như vậy lần sau sẽ sợ.

Điều đáng lo là cứ nhiều lần như vậy chẳng có gì khiến trẻ phải sợ nữa. Đó là hiện tượng lỳ đòn, đến một lúc tất cả những phương pháp răn dạy đều trở nên bất lực.

Với trẻ em, dù nghịch ngợm hay hiếu động là bản tính của lứa tuổi. Khi đối diện với những nỗi sợ hãi thì bị ám ảnh và sợ mãi. Bởi thần kinh của trẻ còn yếu chưa chịu đựng được những cú sốc và sợ hãi quá lớn. Như trường hợp trẻ bị buộc lên xà nhà cũng như vậy, trẻ sẽ bị ám ảnh và có lúc sẽ sống thu mình lại, không dám chơi với ai vì sợ hãi sẽ mắc lỗi và bị phạt như thế.

Hậu quả với sức khỏe

Bác sĩ nhi khoa Đức Anh lên tiếng, việc buộc trẻ lên xà nhà là hành vi nguy hiểm với trẻ. Khoảng cách giữa xà nhà với bên dưới khá xa. Nếu trẻ cựa quậy, dây bị đứt rất có thể trẻ bị chấn thương nặng mà người lớn không lường trước được.

“Nhẹ thì trẻ có thể bị gãy tay chân, xây xát. Nặng hơn là chấn động não, thần kinh khiến ảnh hưởng đến trí nhớ nếu như sợi dây buộc bị đứt”, bác sĩ nói.

Việc buộc dây vào tay trẻ để treo lên cũng có thể khiến cho sợi dây thít chặt phần cổ tay khiến máu không lưu thông được. Nếu tình trạng này kéo dài nhiều giờ có thể khiến đôi tay không được lưu thông máu dẫn đến hoại tử.

“Việc buộc tay lên sợi dây như vậy, nếu trẻ cố gắng quẫy đạp để thoát ra thì có thể khiến xương bị gãy, tay bị ảnh hưởng… Cho nên hành vi như vậy là không chấp nhận được. Các phụ huynh tuyệt đối không nên được áp dụng để giáo dục con cái“, bác sĩ cho biết.

Khi trẻ mắc lỗi thay vì quát mắng, đánh đập thì cần phải chỉ cho trẻ thấy được lỗi sai mà bản thân mắc phải bằng lời giải thích và nguy cơ khi tái diễn hành động đó. Tuyệt đối không được mắng mỏ, đánh đập làm ảnh hưởng đến tâm hồn non nớt của trẻ.

Với trẻ vừa trải qua bạo hành như vậy, phụ huynh cần đưa đi thăm khám tại các cơ sở Nhi khoa để xác định mức độ sang chấn tâm lý nhằm có cách để phục hồi cho trẻ.

Đông Phong

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook