Thứ Tư, 25/11/2015 | 11:32

Câu chuyện diễn viên Por Tridsadee Sahawong (Thái Lan) phải cắt bàn chân, xuất huyết màng phổi do biến chứng của sốt xuất huyết khiến nhiều người lo lắng, hoang mang.

Cắt chân, xuất huyết màng phổi vì biến chứng

Truyền thông đưa tin, diễn viên Por Tridsadee Sahawong (thường được gọi thân mật là Por) nhập viện được khoảng nửa tháng vì bệnh sốt xuất huyết. Tối 22/11, bệnh viện thông báo họ quyết định cắt bỏ chân của nam diễn viên này. Bệnh viện cho biết, virus Dengue tấn công bàn chân của Por và có dấu hiệu lan mạnh. Cắt chân là biện pháp nhằm khống chế virus, phòng ngừa nhiễm trùng lan rộng.

Nam diễn viên 37 tuổi nhập viện vài tuần trước trong tình trạng sốt cao, huyết áp tăng vọt, sau đó rơi vào hôn mê. Sau những ngày điều trị, các bác sĩ nhận định chân trái của Por đã bị nhiễm trùng nặng, việc cắt bỏ là cần thiết để bảo toàn tính mạng. Ngoài ra, anh còn bị xuất huyết màng phổi và buộc phải trải qua phẫu thuật.

Nhận định về ca bệnh này, ThS BS chuyên khoa Truyền nhiễm Phạm Bá Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, đây là ca bệnh lạ, biến chứng hiếm gặp của sốt xuất huyết. Bởi lịch sử gần 250 năm xuất hiện bệnh này trên thế giới, rất hiếm những ca chỉ bị sốt xuất huyết mà phải cắt một phần chân. “Cũng có thể không loại trừ trường hợp bệnh nhân mắc thêm một chứng bệnh khác đi kèm, như tiểu đường, suy tạng… khiến tình trạng sốc nhiễm trùng huyết diễn tiến nhanh hơn”, Ths. BS Phạm Bá Hiền nói.

Biến chứng đáng sợ của bệnh sốt xuất huyết

Chăm sóc một ca sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Võ Thu

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, biến chứng thường gặp nhất khi bị sốt xuất huyết và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trường hợp tử vong là thoát huyết tương. Đó là hiện tượng huyết tương bị thoát qua thành mạch, kéo theo nước dẫn đến mất một lượng nước lớn trong tuần hoàn gây trụy mạch. Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết ở người mẹ mang thai có thể gây suy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu. Với người mẹ thì rất có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ. Do đó với phụ nữ có thai, nếu có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguy hiểm hơn, nếu lượng huyết tương bị thoát lớn, ồ ạt sẽ gây bụng to, cổ trướng. Loại biến chứng sốt xuất huyết nữa gây nguy hiểm là xuất huyết bất thường do rối loạn nguyên tố đông máu như: Chảy máu cam dữ dội, rong kinh, chỗ chích bị bầm tím, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết nội tạng… Ở người lớn, khi mắc bệnh sốt xuất huyết, tỷ lệ xuất huyết não chiếm 1%, máu chảy lan nhiều chỗ trong não. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tử vong cao ở người lớn mắc bệnh này.

Suy đa tạng, xuất huyết não

Trong các biến chứng do sốt xuất huyết thì nặng nhất là tràn dịch màng phổi, máu đọng trong thận. Hai biến chứng này rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại những hậu quả nặng nề sau này cho người bệnh. Theo Ths. BS Phạm Bá Hiền, một biến chứng thường gặp nữa là tổn thương một số cơ quan nội tạng như suy gan, não, suy hô hấp, thận. Đặc biệt, những bệnh nhân đã có những bệnh nền như suy thận, suy gan do rượu… thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Đối với bệnh nhân xuất huyết nặng, biến chứng tiểu cầu giảm là tình trạng rất nguy hiểm. Nếu đã bị giảm tiểu cầu bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong.

Cách đây không lâu, một nam sinh viên trường ĐH Xây dựng Hà Nội suýt phải bỏ mạng vì biến chứng của bệnh sốt xuất huyết. TS Đỗ Duy Cường, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Bệnh nhân N.Đ.T (23 tuổi) nhập viện sau 4 ngày liên tục sốt cao, đau đầu, có rối loạn ý thức, thở ôxy. Chỉ sau 8 tiếng nhập viện, bệnh nhân rơi vào trạng thái co giật, mất ý thức nên được bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị viêm não – màng não do sốt xuất huyết Dengue, được điều trị tình trạng này. Sau 2 ngày diễn biến bệnh nhân khá lên.

Ngoài ra, ThS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, một số biến chứng khác ít gặp như xuất huyết võng mạc gây mù lòa.

Trả lời câu hỏi sốt xuất huyết thường được truyền dịch để hạ nhiệt, nhưng lại có người lo ngại truyền dịch có thể gây phù phổi? ThS.BS Trần Thị Hải Ninh cho rằng: “Việc truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết thường được bác sĩ chúng tôi ví như một nghệ thuật, bởi đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các hướng dẫn và kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ”.

Những ngày đầu, khi bệnh nhân sốt cao, ăn kém, nôn và tiêu chảy gây mất nước thì cần truyền dịch để bù lại lượng nước và điện giải đã mất, tránh hiện tượng cô đặc máu. Tuy nhiên, đến giai đoạn tiếp theo của bệnh, khi đã có tăng tính thấm thành mạch, thoát dịch ra ngoài thì cần truyền dung dịch cao phân tử để kéo dịch trở lại lòng mạch, đồng thời tăng cường đào thải dịch ra ngoài bằng các thuốc lợi tiểu. Nếu ở giai đoạn này vẫn truyền nhiều dịch và không tăng cường thải dịch ra ngoài thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tràn dịch đa màng (màng phổi, màng bụng, màng tim) và phù phổi cấp, rất nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Theo Thu Nguyên/Báo Gia Đình Xã Hội
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook