Thứ Năm, 17/11/2016 | 12:00

Nhiều người sợ rượu vì nồng độ cồn cao nên chuyển sang uống bia vì cho rằng đồ uống này tốt cho sức khỏe, không hại gan.

Mỗi ngày, tại phòng cấp cứu, TS.BS Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, liên tục phải tiếp nhận những bệnh nhân nguy kịch do thói quen sử dụng rượu bia.

Bác sĩ tâm sự: “Phải ở đây, hàng ngày nhìn thấy những bệnh nhân hoặc nguy kịch hoặc đang gào thét, vật vã mới biết tác hại của rượu bia kinh khủng như thế nào”.

Bia hay rượu độc hại hơn?

Quan niệm uống bia hoặc rượu vang thay cho rượu vì nghĩ nồng độ cồn thấp ít ảnh hưởng đến sức khoẻ hơn là một sai lầm. Ảnh: Yesofcorsa
.

Tại khoa Tiêu hoá, các bác sĩ ngày nào cũng tiếp nhận từ 5-7 trường hợp bệnh nhân xơ gan dù ban đầu họ chỉ bị gan nhiễm mỡ do uống quá nhiều rượu bia. Trong đó, không ít bệnh nhân bất ngờ khi bác sĩ đọc kết quả bệnh.

“Nhiều bệnh nhân cho rằng: ‘Tôi chỉ uống bia, đâu có uống rượu, sao lại có thể bị xơ gan được’. Đó là nhầm lẫn của rất nhiều người Việt hiện nay”, TS Khanh cho hay.

Chuyên gia khuyến cáo quan niệm uống bia hoặc rượu vang thay cho rượu vì nghĩ nồng độ cồn thấp ít ảnh hưởng đến sức khoẻ hơn là một sai lầm.

“Thay vì uống khoảng 200 ml rượu mạnh 40-50 độ, nhiều người chuyển sang uống hết chai vang khoảng 600 ml. Nhưng với độ cồn là 12 thì họ đã nạp vào cơ thể gần tương đương với lượng cồn trong rượu mạnh.

Tương tự, nhiều người bỏ rượu chuyển sang uống bia vì nồng độ cồn thấp (khoảng 5%). Tuy nhiên, nếu chúng ta uống 2-3 lít bia trong một bữa nhậu thì lượng cồn cũng tương đương họ uống 200 ml rượu mạnh 50 độ”, TS Khanh lý giải.

Con số 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu người Việt Nam tiêu thụ trong năm 2015 phản ánh rõ ràng thực tế trên. Chỉ riêng về bia, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc và nằm trong top 25 của thế giới.

Thậm chí, dự tính đến năm 2020, sản lượng bia sẽ tiến tới hơn 4 tỷ lít/năm. Nếu người dân còn cho rằng bia ít hoặc không gây độc hại, con số này sẽ thành hiện thực, đồng nghĩa nhiều hệ lụy về sức khỏe, xã hội sẽ bị kéo theo, đáng báo động.

Tại hội thảo “Góp ý luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”, bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đã nhấn mạnh hiện nay mức tiêu dùng bia tại Việt Nam rất cao, trong khi kiểm soát quy định với mặt hàng này chưa có. Đặc biệt, truyền thông đang coi bia như là đồ uống giải khát, bổ dưỡng. Điều đó làm cho người dân hiểu rằng bia không có hại cho sức khoẻ, thậm chí có lợi.

Luật pháp của Việt Nam cũng mới chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn các loại bia và rượu dưới 16 độ không được hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian và không gian…

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc sớm ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là điều rất cần thiết.

Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook