Thứ Ba, 25/07/2017 | 19:20

Sau khi lội nước ở các chỗ nước đọng, nước ngập rất dễ nảy sinh vấn đề ở da chân cần phải lưu tâm tránh nhiễm trùng nghiêm trọng.

Mùa mưa bão thường tái diễn tình trạng ngập và ứ đọng nước kéo dài nhiều tiếng đồng hồ thậm chí nhiều ngày sau. Nỗi khổ của những người đi qua chỗ ngập không chỉ là xe chết máy, mệt mỏi, ướt quần áo mà còn là nỗi lo viêm da đặc biệt vùng chân.

Thường xuyên phải đi qua đoạn đường ngập để đi làm mỗi khi có trận mưa lớn, chị Bích (Mỹ Đình, Hà Nội) ngao ngán khi các kẽ chân thường xuyên xuất hiện tình trạng viêm, đỏ ửng, sưng tấy, đau kèm ngứa. Nếu không bôi thuốc kịp thời có thể bị nứt da, chảy máu vô cùng đau đớn. Theo lời chị Bích, tình trạng này kéo dài suốt mùa mưa do mưa nhiều, cứ mỗi lần lội qua đoạn ngập hay nước đọng đều khiến chị khổ sở những ngày sau đó.

Bì bõm trong nước đọng, nước ngập mùa mưa bão mà không làm điều này chân sẽ sưng tấy, đau rát kinh khủng

Vào những ngày mùa đông chân của chị không gặp vấn đề gì. “Tôi đều phải dùng thuốc, nhất là khi trời mưa ngập để tránh bị viêm kẽ chân. Do sợ tái diễn đi tái diễn lại cảnh đau chân này nên chị Bích đã phải mua thêm đôi ủng đi mưa nhằm đề phòng phải lội ngập. Nếu lúc đi làm gặp mưa lớn, chị Bích phải lùi kế hoạch hoặc chọn đi taxi để tránh bị ngứa chân về sau”, chị Bích cho hay.

Còn anh Xuân (Thanh Trì, Hà Nội) cũng lắc đầu ngao ngán, do nhà trọ của vợ chồng anh ở chỗ trũng thấp nên mỗi khi mưa lớn, nước bị ứ đọng 30-45 phút. Chỗ nấu ăn càng thấp hơn mặt nhà nên khổ sở bì bõm trong nước để nấu nướng, giặt giũ.

“Trước đây, tôi không bị thế này. Nhưng chắc do nước đọng là nước bẩn, dâng lên từ cống rãnh gần đó nên khổ sở vì đau, ngứa ở chân đặc biệt là các kẽ chân”, anh Xuân ngao ngán nói.

Bác sĩ cảnh báo chủ quan với nước ăn chân

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Hiền (Phòng khám đa khoa Trâm Anh) cho hay, việc nhiều người bị các bệnh ở chân đặc biệt là kẽ chân bị sưng tấy, đỏ, ngứa, đau rát không phải là chuyện hiếm. Tình trạng này thường gặp vào mùa mưa ở những đoạn đường hoặc khu vực dân cư có nước đọng, nước ngập.

“Nước mưa sạch nhưng khi rơi xuống mặt đất kết hợp nước từ môi trường xung quanh sẽ có các vi khuẩn, vi nấm, virus… Chúng sẽ nằm trong nước, người đi đường khi lội chân xuống các khu vực nước này sẽ khiến cho chúng bám lên da nhất là các vùng da trong kẽ chân. Nếu chủ quan không rửa chân sạch sẽ sau khi đi ngoài trời về sẽ dễ dàng để cho da vùng chân bị viêm, ngứa, sưng tấy, đau rát”, bác sĩ Hiền nói.

Theo bác sĩ Hiền, biểu hiện dễ thấy nhất là vùng da tiếp xúc với nước bẩn bị ngứa. Theo thói quen, khi ngứa thì người đó sẽ gãi liên tục để qua cơn ngứa. Tuy nhiên, càng gãi thì vùng da này sẽ bị trầy xước, phồng rộp chứa nước dẫn đến sưng, tấy đỏ, đau đớn. Nhiều người bị chảy nước, mưng mủ rất đáng sợ.

“Khu vực bị ngứa không chỉ là kẽ chân mà còn cả trên đầu gối, bẹn kể cả vùng kín nếu như chỗ ngập quá sâu. Không loại trừ các vùng viêm nhiễm này lan ra các bộ phận khác ở bàn tay, tay và các vùng da khác trên cơ thể”, bác sĩ Hiền cảnh báo.

Nếu đơn giản chỉ có ngứa, đau rát và sưng tấy không đáng lo. Tuy nhiên, nếu có xuất hiện triệu chứng kèm như sốt, nổi hạch, đau đầu, mệt mỏi có nghĩa bạn cần phải đi khám để bác sĩ có các phương thuốc bôi, điều trị dứt điểm tình trạng này. Nếu để kéo dài, điều đáng lo nhất là nhiễm trùng, uốn ván nếu không giữ vệ sinh hàng ngày.

“Do vậy, mùa mưa bão nếu người có da dễ dị ứng, nước ăn chân thì phải có dụng cụ như ủng hay giày chống nước. Nếu chân đang bị viêm nhiễm thì nên đi xe buýt hay xe taxi để tránh phải lội. Sau khi về nhà phải vệ sinh chân, rửa sạch và lau khô”, bác sĩ nói.

Theo bác sĩ Hiền, cách đơn giản nhất để chống lại những cơn đau ngứa là dùng nước muối pha loãng. Có thể pha muối vào trong chậu nước rồi ngâm chân. Ngâm từ 2-3 lần, mỗi lần 10-15 phút. Sau khi ngâm xong cần phải lau khô bằng khăn mềm rồi bôi thuốc.

Lá trầu không cũng là loại lá có thể kháng khuẩn tốt. Để chống lại những cơn đau, ngứa ở chân có thể dùng lá trầu không rồi vò nát xát vào chân hoặc vắt lấy nước bôi ở các kẽ chân. Hoặc có thể đun thành nước rồi ngâm chân.

Đông Phong

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook