Không phải mỡ thừa ở đâu cũng có tác động xấu đến cơ thể.
Béo bụng: Bác sĩ Kristen Gill Hairston – Giám đốc trung tâm Béo phì và Nội tiết thuộc Wake Forest Baptist Medical Center – cho biết: “Mỡ nội tạng thường dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe như làm tăng nguy cơ bị viêm của cơ thể, dẫn đến béo phì độ 2, huyết áp cao, cholesterol cao”. Ở tư thế nằm, nếu chiếc bụng béo của bạn xẹp xuống và có phần chảy ra 2 bên, có thể đó chỉ là lớp mỡ dưới da. Nếu phần bụng vẫn dựng lên và nhìn như bạn đang có bầu thì khả năng cao đó là mỡ nội tạng.
Vòng eo bèo nhèo: Lớp mỡ này lộ rõ nhất khi bạn cố nhét mình vào một chiếc quần chật. Dù có thể khiến bạn bực mình vì xấu nhưng may mắn phần lớn lớp mỡ quanh eo là mỡ dưới da, ít có nguy hại với sức khỏe. Tuy nhiên, bác sĩ Hairston khẳng định, một vòng eo thừa mỡ vẫn có thể dẫn đến một số bệnh như viêm xương khớp hay chứng ngưng thở khi ngủ (khoảng 10 giây).
Bắp đùi to: Susan K. Fried, giáo sư thuộc trường y Icahn (New York, Mỹ) phát biểu: “Có mỡ ở mông hoặc bắp đùi là dấu hiệu tốt cho sức khỏe, bạn ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay béo phì”. Giáo sư Fried cho biết các chuyên gia vẫn chưa giải thích được lý do tuy nhiên, lớp mỡ ở phần thân dưới thường không nằm ở những nơi mà nó có thể gây hại như cơ.
Giáo sư Fried khẳng định có mỡ thừa ở phần thân trên thường kém an toàn hơn có mỡ ở phần thân dưới. Bắp tay to có thể đồng nghĩa với việc có mỡ ở cơ – loại này thường được gọi là mỡ lệch vị trí – và gây nên các vấn đề như kháng insulin. Tuy nhiên, giáo sư Fried cho biết đến nay, chưa có cuộc nghiên cứu nào thực hiện riêng với mỡ ở tay.
Mỡ ở lưng thường là do béo bụng, do đó, chúng có những nguy cơ tiềm tàng tương tự như béo bụng.
Béo toàn thân: Mang một trọng lượng dư thừa ở khắp các phần trên cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên tim và khiến bạn có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh. “Hãy nhớ rằng thừa cân, trên toàn bộ cơ thể, sẽ góp phần khiến bạn bị đau khớp, mắc chứng ngưng thở khi ngủ và làm giảm sức chịu đựng” – bác sĩ Hairston phát biểu.
Ý Linh
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.