Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:40

Triệu chứng cơ năng

Lúc mới bắt đầu, bệnh trĩ thường không có triệu chứng. Về sau, khi búi trĩ to ra triệu chứng mới xuất hiện.

Chảy máu

Chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất. Vì thế người Hy Lạp gọi bệnh trĩ là Halmorrhois, người Anh gọi là Hemorrhoid, người pháp gọi là Hèmorroldes (hemo có nghĩa là máu).

Hình thức chảy máu và lượng chảy máu rất khác nhau. Lúc mới đầu, máu chảy rất kín đáo, bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy vệ sinh, thấy có máu đỏ, hoặc là có vài tia máu rất nhỏ dính vào thỏi phân rắn. Máu chỉ có khi táo bón, khi đại tiện phải rặn. Về sau, máu chảy thường xuyên hơn và lượng máu cũng nhiều hơn. Muộn nữa, có những bệnh nhân mỗi lần đi đại tiện là máu lại chảy. Lúc này quan sát máu chảy không phải nhìn vào giấy vệ sinh mà là nhìn vào bồn cầu. Nước trong bồn cầu đỏ nhiều hay ít phụ thuộc vào máu pha vào nước bồn cầu. Nhiều bệnh nhân cho biết mỗi khi đại tiện, mới ngồi xuống là máu chảy nhỏ giọt hay có khi thành tia như “cắt tiết gà”.

Máu ở trong bệnh trĩ có màu đỏ tươi. Không thực sự là máu tĩnh mạch. Người ta thấy trong vùng này có nhiều cầu thông nối động-tĩnh mạch. Nghiên cứu về nồng độ khí trong máu đám rối tĩnh mạch trĩ ta thấy có hàm lượng khí Oxy cao (Bensaude).

Cũng có khi, nhưng hiếm, bệnh nhân đại tiện ra máu cục bầm đen. Máu cục bầm đen là do máu chảy từ các búi trĩ, đọng lại trong lòng trực tràng, rồi sau đó mới đi ra ngoài. Với bệnh nhân chảy máu kiểu này phải rất thận trọng vì kiểu chảy máu này thường là triệu chứng của các bệnh khác nặng nề hơn như polyp đơn độc, bệnh đa polyp, ung thư trực tràng…Những bệnh nhân bị chảy máu thường có tình trạng da xanh xao do bị thiếu máu.

Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có chảy máu. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh đã rất lâu, hàng chục năm, có búi trĩ khá to, gần như thường xuyên lòi ra ngoài nhưng không có hiện tuợng chảy máu.

Sa búi trĩ

Búi trĩ sa ra ngoài ống hậu môn là mức độ nặng của trĩ nội. Trĩ nội lúc đầu hoàn toàn nằm trong ống hậu môn. Nếu không có chảy máu, bệnh nhân hoàn toàn không biết mình bị mắc bệnh trĩ. Búi trĩ lớn dần và khi qua lớn thì lòi ra cả ngoài vì vậy người Anh gọi bệnh trĩ là Pile.

Tùy theo độ lớn của búi trĩ, tuỳ theo trương lực của các cơ thắt hậu môn, tùy theo tình trạng của mô nâng đỡ và dây chằng Parks mà búi trĩ lòi ra ngoài ít hay nhiều. Tuỳ theo độ lớn của búi trĩ lòi ra ngoài mà ảnh hưởng nhiều hay ít đến sinh hoạt cuộc sống. Đa số bệnh nhân đến khám bệnh vì trĩ sa, gây nhiều phiền phức trong sinh hoạt. Mỗi lần đại tiện xong, mất hàng giờ đồng hồ nằm nghỉ để búi trĩ sa ra ngoài tự tụt vào trong lòng ống hậu môn hay phải dùng tay nhét vào. Nhưng nhét vào rồi có thể sẽ lại tụt ra.

Đau

Thường thì không đau. Đau là do biến chứng tắc mạch, sa nghẹt hoặc là tình trạng co thắt của các cơ do tình trạng nứt hậu môn đi kèm.

Khi tắc mạch cấp tính, bệnh nhân rất đau, bệnh nhân ngồi bằng một mông, không dám ngồi bằng cả hai mông, không dám ngồi kiểu cưỡi ngựa. Nếu tắc mạch lâu ngày bệnh nhân sẽ cảm giác một điểm đau chói, luôn luôn có cảm giác vương vướng cồm cộm, thường được ví như “chân mang giày rộng mà có 1 viên sỏi nhỏ”.

Triệu chứng toàn thân

Phần lớn số bệnh nhân đến khám bệnh đều không có biểu hiện gì vì tuy là đa số có chảy máu khi đại tiện nhưng chỉ chảy rất ít và chỉ thỉnh thoảng. Ở một số bệnh nhân da xanh do mất máu nhiều và kéo dài. Có nhiều bệnh nhân vì thiếu máu nặng, mỗi lần đi đại tiện, khi đứng dậy thấy hoa mắt như muốn ngất xỉu, thử máu thấy hematocrit thấp, có khi chỉ dưới 10%.

Triệu chứng thực thể

Trước khi thăm khám bệnh nhân phải đi tiểu. Nằm theo tư thế phụ khoa hay tư thế nằm nghiêng trái.

Nhìn

Có thể thấy chung quanh lỗ hậu môn những chỗ phồng lên, căng bóng làm mất nếp nhăn bình thường của hậu môn đó là trĩ ngoại.

Có thể không thấy gì hết. Nếu bệnh nhân nói là khi đại tiện có một hay nhiều khối lồi ra ở hậu môn, thì phải nghĩ rằng có thể là trĩ nội. Yêu cầu bệnh nhân vào phòng vệ sinh, ngồi trên bồn cầu rạn như khi đại tiện rồi khám lại, có thể thấy những búi màu hồng tươi thập thò ở lỗ hậu môn, đó là trĩ nội độ 2. Nếu thấy búi trĩ hơi thẫm màu lòi hẳn ra ngoài, đó là trĩ nội độ 3. Nếu thấy ngay, khôngcần phải rặn, ở chung quanh lỗ hậu môn những búi trĩ màu hồng tươi hay thẫm màu thì đó là trĩ độ 4.

Nếu thấy những búi trĩ nằm cách biệt nhau mà phần ngoài được bao bọc bởi da và phần trong được niêm mạc che phủ đấy là trĩ hỗn hợp.

Khi thấy một vòng tròn bao quanh lỗ hậu môn, phần ngoài của vòng là da, phần trong là niêm mạc, vòng tròn có những chỗ to. chỗ nhỏ và những ngấn, đó là trĩ vòng. Trĩ vòng rất khác với khối trực tràng sa. Tuy rất khác nhau nhưng đã có nhiều lần nhầm lẫn trong chẩn đoán.

Như vậy, mọi hình thái thương tổn của trĩ có thể chuẩn đoán bằng hỏi bệnhvà bằng nhìn trực tiếp thương tổn, trừ trĩ nội độ 1.

Thăm hậu môn trực tràng

Thăm hậu môn trực tràng rất khó nhận biết trĩ. Ngón trỏ đè nhẹ lên thành ống hậu môn và miết nhẹ theo chu vi, cùng chiều kim đồng hồ rối ngược lại. Về lý thuyết có thể nhận biết, sờ được những khối mềm, ấn vào thì xẹp. Nhưng thật ra khó xác định, phải là ngón tay của thầy thuốc nhiều kinh nghiệm mới khẳng định được. Thăm hậu môn trực tràng, ngược lại rất dễ nhận định biến chứng tắc mạch, sờ được những cục nhỏ cứng, ấn rất đau.

Thăm hậu môn trực tràng không quan trọng trong chẩn đoán bệnh trĩ nhưng lại rất quan trọng trong việc phát hiện ung thư ống hậu môn và ung thư phần dưới của bóng trực tràng. Đã không ít lần, bệnh nhân được cắt trĩ, vài tháng sau trở lại bệnh viện vì bị ung thư giai đoạn muộnn không thể cắt bỏ được. Trong ung thư, ngón tay sờ chạm một khối sùi chiếm một phần hay toàn bộ chu vi lòng ruột. Khi rút tay ra, găng dính ít máu lờ lờ, như máu cá. Thăm hậu môn trực tràng cũng để đánh giá tình trạng cơ thắt hậu môn: bình thường, co thắt, hẹp và tình trạng tuyến tiền liệt.

Soi hậu môn

Soi hậu môn là động tác bắt buộc khi lâm sàng có triệu chứng gợi ý là trĩ mà không thể khẳng định bằng nhìn, bằng thăm hậu môn trực tràng. Qua ống soi nhìn thấy những chỗ niêm mạc phồng lên, thẫm màu hơn vùng chung quanh, đè vào khối phồng đó thấy xẹp dí. Các chỗ phồng này nằm ở vị trí 10-11h, 7-8h,3-4h, ở phía trên đường lược, cách lỗ hậu môn 3-4m. Đó là hình ảnh của trĩ nội độ 1. Như vậy để chuẩn đoán trĩ nội độ 1, phương tiện duy nhất là soi hậu môn. Soi hậu môn không cần thiết cho các độ khác của trĩ nội.

Soi trực tràng đại tràng

Soi trực tràng là phương pháp cần thiết khi nghi ngờ có các bệnh khác ở đại trực tràng, đặc biệt là polyp, ung thư.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook