Quá trình đô thị hóa khiến cho tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng phổ biến. Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của tiếng ồn.
Khi nàocon người sợ tiếng ồn?
TS. Dương Minh Tâm, Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tiếng ồn trong y học được hiểu rất đơn giản là tiếng động được tạo ra từ máy móc, nơi đông người, sinh hoạt đời sống. Mỗi một loại tiếng ồn lại có những tác dụng khác nhau. Có những tiếng ồn gây ra những tác hại tiêu cực nhưng cũng có loại ô nhiễm tiếng ồn không gây cảm giác khó chịu.
“Tác động tiêu cực của tiếng ồn lớn tới đâu sẽ phụ thuộc vào mỗi cá thể phản ứng với tiếng ồn ở mức độ khác nhau hoặc tình trạng sức khỏe của cơ thể. Ví dụ, người khỏe mạnh khả năng chịu tiếng ồn sẽ tốt hơn. Người có bệnh lý, cơ thể suy nhược dễ gây cảm giác khó chịu với tiếng ồn”, TS. Dương Minh Tâm nói.
Tiếng ồn vượt quá ngưỡng sẽ gây bệnh.
Trong trường hợp cơ thể không suy yếu, nhưng cảm xúc suy sụp (trầm cảm, lo âu) cũng sẽ không chịu được tiếng ồn, thậm chí sợ tiếng ồn ghê gớm.
Theo TS. Dương Minh Tâm trong thực hành lâm sàng, tiếp xúc nhiều bệnh nhân điều trị tâm thần do tiếng ồn gây nên sẽ nhận thấy các bệnh nhân đều có ngưỡng nghe giảm hoặc gặp bệnh lý về tai. Bệnh nhân có thể xuất hiện ảo thanh thô sơ có tiếng ve kêu trong tai, tiếng rít. Thậm chí, đã từng có bệnh nhân khó chịu với âm thanh này đến mức trầm cảm.
Triệu chứng của người sợ tiếng ồn và cách điều trị
“Phản ứng bệnh lý có thể gặp ở nhóm bệnh nhân chịu tác động của tiếng ồn thường đau đầu, mất ngủ, kích thích suy nhược (tam chứng đau đầu, mất ngủ, dễ kích thích). Khi người bệnh chịu hậu quả của tiếng ồn đến ngưỡngquá mức, khả năng sợ tiếng ồn sẽ rất ghê gớm. Có những bệnh nhân chỉ cần nghe thấy tiếng dao kéo, tiếng xe máy chạy qua cũng làm họ hốt hoảng, sợ hãi quá mức. Có những trường hợp bệnh nhân lại sợ sự ồn ào ởnhững nơi đông người (công viên, trung tâm mua sắm, hội hè), những âm thanh này khiến họ bị ám ảnh”, TS. Dương Minh Tâm cho biết.
TS. Dương Minh Tâm.
Bệnh nhân sợ tiếng ồn thường có biểu hiện tránh né, không thích giao tiếp với mọi người. Quá trình điều trị cho những bệnh nhân này sẽ phải xác định bệnh lý gặp là gì, họ tiếp xúc với loại tiếng ồn gì?.
Trường hợp bệnh nhân bị kích thích suy nhược dẫn tới sợ hãi với tiếng ồn sẽ điều trị dễ so với những người có ảo thanh thô sơ. Thông thường thời gian điều trị sẽ kéo dài từ 3-6 tháng.
Bệnh nhân phải được tách ra khỏi tiếng ồn, tránh xa nguyên nhân gây bệnh. Những trường hợp nặng có ảo thanh sẽ được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Có những trường hợp bệnh nhân sẽ tư vấn phải thay đổi môi trường sống.
TS. Dương Minh Tâm cho biết thêm, nhóm đối tượng sợ tiếng ồn tới mức đau đầu, khó ngủ thường là trong độ tuổi từ 20 – 40 tuổi. Đặc biệt nhóm tuổi từ 20- 25 tuổi thường mắc bệnh lý nhiều. Do những trường hợp này thường là các bạn trẻ làm việc tại các làng nghề (đúc đồng, đúc nhôm, nghề làm mộc) khi còn rất nhỏ. Sau một thời gian họ cảm thấy sợ và căng thẳng. Sau một thời gian, cảm giác căng thẳng sẽ tăng lên khi tiếp xúc với tiếng ồn.
Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh do tác hại của tiếng ồn. Trong đó, đối tượng thường gặp nhất là xe ôm, công nhân, công nhân viên chức…
“Đối với những người chủ động tiếp xúc với tiếng ồn dù tiếng ồn lớn sẽ làm cho rất hưng phấn, ví dụ như ngày làm nghề JD. Hay như chúng ta đi hát karaoke do chủ động tiếp xúc với tiếng ồn sẽ cảm thấy dễ chịu”, TS. Dương Minh Tâm nói.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.