Thứ Bảy, 19/03/2016 | 18:38
Bệnh quai bị ở trẻ: Dễ lây lan, chớ chủ quan!Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhi quai bị

BS Nguyễn Trần Nam – Phó trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết, trẻ thường hay mắc phải bệnh quai bị nên người lớn cần phải quan tâm, chớ chủ quan để tránh những biến chứng không đáng có về sau.

Theo BS Nguyễn Trần Nam, bệnh quai bị là bệnh lý về tuyến nước bọt do một loại siêu vi gây ra có thể xảy ra quanh năm nhưng hay xuất hiện nhiều vào mùa hè.

Tỷ lệ cao ở trẻ nhỏ

Ngày 16-3-2016 Khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 2 TP.HCM) tiếp nhận trường hợp bé Nguyễn Đình P. sinh năm 2010, ở đường Trương Minh Quyền, P.3, Q.10 trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi đặc biệt là hai má sưng to khác thường và chảy nhiều nước bọt. Sau khi nhập viện, cháu P. được các BS Khoa Nhiễm chẩn đoán bệnh nhi bị bệnh quai bị. Trước đó, vào ngày 14-3 chị Lê Thị M. ngụ ở đường Nguyễn Khoái, P.2, Q.4 cũng phải đưa đứa con gái 12 tuổi vào BV Nhi đồng 2 để điều trị chứng quai bị. Chị T. kể lại: “Mấy bữa thấy cháu sốt nhẹ tôi cũng không để ý vì cứ nghĩ là cháu bị cảm nhưng sang đến ngày hôm sau thì sốt cao hơn”. Theo chị T. khi nghe cháu nói đau bên má phải chị mới để ý và thấy sưng to hơn bình thường. Sau khi điều trị ngoại trú tại BV Nhi đồng 2 sức khỏe con gái chị T. đã trở lại bình thường.

BS Nguyễn Văn Qui – Phó phòng Tổng hợp kế hoạch BV Nhi đồng 2 cho biết, quai bị là bệnh truyền nhiễm dễ bị lây thế nhưng do được tuyên truyền và chữa bệnh kịp thời nên việc khống chế bệnh cũng dễ dàng hơn trước. Các BS ở đây cũng khẳng định có khoảng 1/4 bệnh nhân bị nhiễm virus quai bị lại không có triệu chứng bên ngoài như sưng má, sốt cao hay chảy nước dãi. Bệnh có thể tự khỏi sau 5, 7 ngày nhưng nguy hiểm cho người khác vì dễ bị lây do không được cách ly.

Bệnh quai bị ở trẻ: Dễ lây lan, chớ chủ quan!BS Nguyễn Trần Nam đang điều trị cho bệnh nhi quai bị

Về nguyên nhân, theo giải thích của BS Nam, loại siêu virus gây ra ở tuyến nước bọt có tên là Paramyxovirus có ác tính với thần kinh và xâm nhập các tuyến như tuyến nước bọt. Biểu hiện sưng tuyến nước bọt ở mang tai là đã bị nhiễm trùng siêu vi. Do nhiễm trùng phía bên trong gần não nên cũng dễ bị viêm não. Có một điều lạ là không giống như các căn bệnh khác, quai bị không có thuốc chữa trị mà tự khỏi nếu biết cách giữ gìn. Do virus gây nên vì thế bệnh quai bị rất dễ lây lan truyền từ người này sang người khác qua đường ăn uống, tiếp xúc, hô hấp. Bệnh cũng nhạy cảm với trẻ nhỏ khi chưa được tiêm phòng đầy đủ và cả người lớn chưa được miễn dịch quai bị. Nếu “tiếp nhận” virus quai bị từ nước bọt người bệnh ho hay hắt hơi thì chỉ sau 1 tuần là cơ thể sẽ “dính” bệnh. Vì thế, 3 lời khuyên mà BS Nam đưa ra cho phụ huynh và học sinh là nên cho con nghỉ học vài ngày để cách ly với bạn bè tránh lây nhiễm. Theo lời chị T. khi biết con mình bị bệnh chị đã tìm cách hạ sốt, cho cháu nằm nghỉ ngơi, thường xuyên súc miệng bằng nước sạch. Biết là dễ bị lây chị cũng chủ động cho con nghỉ học, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.

Xác suất biến chứng thấp

Bệnh quai bị nên ăn gì, kiêng gì?

Thức ăn lỏng: Trong thời gian lên cơn sốt vì quai bị, cơ thể trẻ khó hấp thụ các món ăn cứng, người nhà nên cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: Bột ngó sen, cháo gạo tẻ, canh trứng… để giúp cơ thể dễ hấp thu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều cháo, ăn làm nhiều bữa và cần xem khả năng tiêu hóa để điều chỉnh ăn uống; Nước: Mắc bệnh quai bị khiến cơ thể sốt và mất nước, vì thế trẻ cần được bổ sung nước thường xuyên. Ngoài nước uống cần thường xuyên súc miệng bằng nước muối loãng để giúp diệt khuẩn, tránh khô miệng; Các loại đỗ: Ngoài thành phần dinh dưỡng cao, đỗ còn có thể nấu thành những món ăn có tác dụng như thuốc giúp cơ thể nhanh chóng chiến thắng bệnh. Dùng đỗ xanh, đỗ tương (đậu nành) lượng bằng nhau, đem đun nhừ, khi ăn có thể thêm đường đỏ. Ngoài ra, cũng có thể ninh đỗ xanh cả vỏ cho nhừ rồi thêm rau cải, ăn liên tục từ 3-5 ngày, bệnh sẽ thuyên giảm; Các loại rau: Rau và hoa quả là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Bạn có thể sử dụng mướp đắng để nấu các món ăn đảm bảo dưỡng chất cũng như tăng cường sức đề kháng cho người thân. Bên cạnh những món ăn nên dùng, người mắc bệnh quai bị cần kiêng đồ ăn chua và chất kích thích. Các loại thực phẩm này khiến tuyến nước bọt phân tiết làm quai bị sưng to lên, có thể khiến bệnh bị biến chứng.

B.T

Theo cách chữa bệnh dân gian nhiều người bôi thuốc lên má, cho uống nước từ quai giỏ lác mong khỏi bệnh. Tuy nhiên, đây là điều BS thật sự khuyến cáo vì dễ bị nhiễm độc, gây biến chứng nặng. “Nếu bôi thuốc lên mà khỏi bệnh thì đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì bệnh này sau 7 ngày sẽ tự khỏi hẳn” – BS Nam giải thích. Theo hướng dẫn của thầy thuốc, bệnh quai bị cần được tiếp tục theo dõi hơn nhất là khi có triệu chứng nhức đầu, ói mửa, sưng tinh hoàn nếu là con trai, đau bụng liên tục nếu là con gái. Bệnh quai bị người lớn thường nặng và không phát hiện sớm sẽ có các biến chứng như: viêm tụy, viêm màng não, viêm dây thần kinh dù tỷ lệ chỉ 1 phần ngàn phần triệu. Đàn ông bị viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn còn phụ nữ bị viêm buồng trứng và có thể bị sẩy thai, sinh non và cả thai nhi dị dạng. Những biến chứng này xác suất rất thấp nên chúng ta cũng đừng quá lo lắng. Quai bị không liên quan đến áp xe não nhưng vẫn có người nhầm tưởng và rất lo lắng là điều không nên. Cũng theo lời khuyên của BS nhi, trẻ em 12 tháng tuổi cần được chích ngừa quai bị và sau đó khi được 3 tuổi thì được nhắc lại (chích lần 2) chắc chắn bệnh sẽ khó tái phát. Đa số bệnh nhân quai bị đều được điều trị ngoại trú rất ít trường hợp phải nằm lại bệnh viện nếu chưa có biến chứng từ căn bệnh này. Một số người nhà bệnh nhân tâm sự, mặc dù không nằm ở bệnh viện nhưng nghe lời khuyên của BS Nam, các bệnh nhân luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn nhiều rau xanh và các loại thức ăn mềm nên đã mau chóng lành bệnh.

Bài, ảnh: Quang Phan

Nguồn: Giáo dục Online

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook