“Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn. Không điều trị kháng sinh khi không có bệnh nhiễm khuẩn”.
Hậu quả không ngờ của kháng kháng sinh
Kháng kháng sinh đang trở thành mối nguy thực sự với sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhận diện ra nó. Kháng kháng sinh không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới, do tình trạng lạm dụng dùng thuốc kháng sinh.
Theo bác sĩ Dương Minh Tuấn (Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh), trong quá trình làm việcvẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân bị kháng thuốc kháng sinh.
Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Thanh (62 tuổi, Hồ Chí Minh). Bệnh nhân vào viện cấp cứu trong tình trạng mắc nhiều bệnh mãn tính phối hợp, suy hô hấp, suy đa tạng. ÔngThanh được chuyển vào điều trị tại khoa Hồi sức.
Kết quả kháng sinh đồ bệnh nhân Thanh bị kháng hầu hết các loại kháng sinh (ảnh bác sĩ cung cấp).
Trước khi vào viện, bệnh nhân đã có tiền sử viêm phổi. Lúc mới nhập viện, bệnh nhân được đặtnội khí quản để thở máy.
Bác sĩ Dương Minh Tuấn cho biết: “Khi nhập viện, bệnh nhân Thanh vẫn nhạy cảm với 3-5 loại kháng sinh. Nhưng sau 10 ngày điều trị, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân ngày một nặng hơn. Bệnh nhân được chỉ định làm kháng sinh đồ. Kết quả cho thấy bệnh nhân đã bị kháng hầu hết các loại kháng sinh”.
Do bệnh nhân đã kháng hầu hết các loại kháng sinh cho nên để điều trị cho bệnh nhân buộc phải sử dụng loại kháng sinh vi khuẩn nhạy cảm. Những loại kháng sinh này rất nặng, nhiều độc tố và có nhiều tác dụng phụ cho bệnh nhân nhất là hệ thần kinh, thận.
Cũng theo bác sĩ Dương Minh Tuấn, bệnh nhân bị kháng kháng sinh thường trải qua quá trình điều trị cực kỳ khó khăn. Trường hợp bệnh nhân Thanh đã rất may mắn, vì không kháng kháng sinh nhạy cảm.
Bác sĩ Dương Minh Tuấn cũng đã từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị kháng toàn bộ các loại kháng sinh. Để cứu sống bệnh nhân này, bác sĩ phải dùng tới loại kháng sinh từngchỉ dùng cho động vật như lợn, gia súc, gia cầm. Những loại kháng sinh này thường có độc tính cao và để lại nhiều tác dụng phụ sau này cho bệnh nhân.
“Do tình trạng kháng kháng sinh trên người khá phổ biến ở Việt Nam nên có những trường hợp buộc phải dùng các loại kháng sinh dành cho động vật để sử dụng cho người”, bác sĩ Dương Tuấn Minh nói.
Ho, cảm, cúm có cần dùng tới kháng sinh?
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong cuộc sống hàng ngày mỗi khi bị cảm cúm hay bệnh thông thường.Bệnh nhân bị kháng kháng sinh sẽ chịu chi phí điều trị sẽ cực kỳ tốn kém và hậu quả thì không thể lường trước được.
Dùng thuốc kháng sinh khi chưa cần thiết gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
Bác sĩ Dương Minh Tuấn cho hay: “Nếu bị ho, cảm, sổ mũi thông thường nên sử dụng nước muối vệ sinh họng, mũi. Ngoài ra, chú ý bồi bổ thêm cơ thể bằng nước cam, chanh tại nhà để tăng cường sức đề kháng. Không nên ra hiệu thuốc tự ý mua kháng sinh về điều trị”.
Trong trường hợp muốn uống thuốc nên tới các bệnh viện lớn để thăm khám. Không nên khám tại các phòng mạch nhỏ, vì rất nhiều bác sĩ tại phòng mạch kê thuốc theo hãng dược và thuốc để bao phủ đánh toàn bộ vi khuẩn. Những loại thuốc kháng sinh này thường rất mạnh dễ gây ra kháng kháng sinh.
“Muốn biết có cần phải dùng kháng sinh hay không, bạn cần phải làm xét nghiệm: công thức máu, tình trạng sức khỏe. Nếu bị ho, bác sĩ sẽ nghe phổi và chụp X quang đánh giá có bị viêm phổi hay không. Khi xét nghiệm máu và chụp X quang nếu khẳng định có tình trạng nhiễm khuẩn, lúc đó bác sĩ mới chỉ định dùng thuốc kháng sinh”, bác sĩ Dương Minh Tuấn nói.
Bác sĩ Dương Minh Tuấn khuyến cáo, nếu sử dụng kháng sinh cũng phải do bác sĩ chuyên môn quyết định. Vì chỉ khi đó bác sĩ mới biết tình trạng nhiễm khuẩn, cho dùng loại kháng sinh thích hợp, không phải bệnh nhân nào cũng kê bừa bãi.
“Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn. Không điều trị kháng sinh khi không có bệnh nhiễm khuẩn”, bác sĩ Dương Minh Tuấn chia sẻ.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.