Bệnh mắt hột – Trachoma
Mắt hột – Trachoma có nguồn gốc từ chữ Hi lạp nghĩa là « xù xì », để mô tả tính chất sần sùi và hình thể của kết mạc do nhiễm mắt hột mạn tính. Bệnh mắt hột là một viêm kết giác mạc đặc hiệu, lây lan, tiến triển mạn tính ở người, gây ra do tác nhân Chlamydia Trachomatis. Tổn thương đặc trưng ở kết giác mạc bởi: hột mắt hột, tăng sản nhú gai, màng máu, cuối cùng là sẹo hoá kết giác mạc, gây lông quặm, lông siêu và dẫn đến mù loà.
Mắt hột là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất, đặc biệt ở các vùng có khí hậu nóng ẩm và điều kiện kinh tế còn chưa phát triển (một số nước ở châu Phi, Trung đông, Đông nam á,…) .
Mắt hột là một bệnh của môi trường sống chật chội và mất vệ sinh. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác và từ mắt này sang mắt khác do vệ sinh kém. Ở những vùng có nhiều ruồi thì chính những con ruồi là vật trung gian gây lây truyền bệnh từ người này sang người khác.
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến mức độ nặng và kéo dài của bệnh trong các cá thể, các gia đình, bao gồm: mức sống, nguồn nước sạch, điều kiện dễ dàng để đến các cơ sở điều trị, trình độ giáo dục và hiểu biết của bệnh nhân và những người thân .
Bệnh mắt hột thường phát triển ở hai mắt. Bệnh bắt đầu ở kết mạc sụn mi trên và kết mạc nhãn cầu phía trên. Nhú gai (nhú nhỏ ở giữa có mạch máu nhỏ) và phản ứng nhú gai làm cho toàn bộ kết mạc có màu đỏ trong giai đoạn nhiễm trùng cấp. Sự có mặt của hột (phản ứng hột) trên kết mạc là tổn thương đặc hiệu của bệnh. Hột là những nốt màu trắng (giai đoạn đầu) hoặc là những khối mầu hồng hơi trong (do không có trục mạch máu ở giữa) nổi lên ở kết mạc sụn mi. Phản ứng hột cũng xảy ra ở vùng rìa giác mạc, đặc biệt là ở rìa trên.
Khi bệnh khỏi, hột để lại sẹo trên kết mạc hoặc lõm hột trên vùng rìa giác mạc. Phản ứng mạch máu (màng máu) thường phát triển qua vùng rìa trên và xâm lấn vào giác mạc, có thể che lấp trục thị giác và tạo thành màng khói hoặc sẹo đục làm giảm thị lực hoặc mù loà.
Khi bệnh phát triển nặng và không được điều trị kịp thời, các hột sẽ vỡ ra và tạo sẹo làm kết mạc co lại. Sẹo ở mức độ nặng làm cho sụn mi ngắn lại và bờ mi lộn vào trong gây phát triển quặm . Nếu chỉ có vài lông mi bị quặp vào trong và cọ sát và mắt thì gọi đó là lông siêu. Nếu cả hàng lông mi quặp vào trong và cọ vào mắt thì gọi đó là lông quặm. Nếu lông siêu /lông quặm không được điều trị sẽ gây loét giác mạc. Loét giác mạc do lông siêu/lông quặm nếu không được điều trị có thể dẫn đến thủng giác mạc và (trong những trường hợp nặng) viêm nội nhãn.
Bệnh mắt hột, phối hợp nhiễm trùng thứ phát và đôi khi với thiếu vitamin A ở trẻ em, có thể làm cho giác mạc bị yếu và rãn ra- rãn lồi giác mạc. Có thể phát triển viêm túi lệ.
Điều trị bệnh mắt hột cần tuân theo phác đồ. Theo phác đồ của Tổ chức y tế thế giới, khi bệnh ở giai đoạn hoạt tính cần tra thuốc mỡ tetraxyclin 1% (hoặc erythromyxin) 8giờ/lần ít nhất trong 6 tuần phối hợp với rửa mặt bằng nước và xà phòng. Điều trị tại mắt theo phác đồ cách quãng dựa vào gia đình hoặc cộng đồng có thể là cơ sở để phòng chống bệnh mắt hột ở những vùng có bệnh nặng : tra mỡ tetraxyclin 1% 12 giờ/lần trong 5 ngày liền hoặc mỗi ngày 1lần trong 10 ngày liền; mỗi năm dùng ít nhất 6 tháng liên tục. Bệnh mắt hột gây miễn dịch rất yếu hoặc hầu như không có miễn dịch. Sau khi được chữa khỏi, bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm.
Khi bị biến chứng lông siêu, có thể đốt hoặc nhổ lông siêu. Nếu là quặm, cần phẫu thuật để làm bật được lông mi ra ngoài.
Việc phòng chống bệnh mắt hột cần được thực hiện tại cộng đồng. Chương trình phòng chống bệnh mắt hột chỉ có kết quả nếu cộng đồng có đủ nước sạch để tắm rửa và vệ sinh cá nhân. Giáo dục y tế và vệ sinh cho mọi người trong cộng đồng có bệnh là rất cần thiết. Chẩn đoán sớm bằng các chương trình khám bệnh hàng loạt sẽ cho phép phát hiện những bệnh nhân , cụm dân cư và cộng đồng và từ đó sẽ tiến hành điều trị kịp thời. Tuy nhiên, những chiến dịch điều trị để thanh toán bệnh mắt hột sẽ không có hiệu quả nếu không cải thiện mức sống và thói quen vệ sinh của cả cộng đồng.
Yhocvn.net (Trích theo Cẩm nang Chăm sóc và bảo vệ mắt)
Chưa có bình luận.