Thứ Hai, 07/05/2018 | 14:13

Ở người cao tuổi, bệnh lý toàn thân xuất hiện ngày càng nhiều, việc dùng thuốc bắt buộc và thường xuyên là yếu tố ảnh hưởng đến răng miệng.

Ngược lại, bệnh ở răng miệng cũng tác động đến sức khỏe toàn thân. Tuổi càng cao thì sự lão hóa răng miệng càng tiến triển, tổn thương răng miệng có thể là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập vào máu hay cơ quan hô hấp gây trọng bệnh.

Suy thoái ở răng miệng

Những suy thoái ở răng miệng hay quá trình lão hóa gây ra những biến đổi ở răng như: mòn mặt nhai, tuỷ răng bị xơ teo, giảm mật độ tế bào, tạo ngà thứ cấp, ngà dần bị mất nước, răng giòn dễ mẻ, dễ bị gãy, tụt nướu, giảm tiết nước bọt, chức năng nhai giảm sút… Một số người có nhiều răng mang miếng trám lớn nên cũng dễ bị sâu tái phát. Người cao tuổi vẫn bị sâu răng mới, tái phát ở thân răng và dễ bị sâu ở chân răng. Ở người cao tuổi, những biến đổi tại chỗ do bệnh toàn thân và do dùng thuốc điều trị bệnh lý làm cho niêm mạc miệng dễ bị một số tổn thương dạng bóng nước, loét, liken, nhiễm khuẩn… Các biện pháp vệ sinh răng miệng đều kém hiệu quả. Việc điều trị các bệnh răng cho người cao tuổi cần phải dùng vật liệu phóng thích fluor (F) như xi-măng glass ionomer, phòng bệnh bằng F tại chỗ khi thấy có nguy cơ sâu răng tiến triển.

Để ngăn ngừa sâu răng, bổ sung fluoride theo chỉ định, sử dụng hàng tuần thuốc rửa chlorhexidine để kiểm soát sâu răng. Cần khám định kỳ, thực hiện chế độ theo dõi tình trạng răng miệng thường xuyên. Những người bị hạn chế về trí tuệ, vận động cần sự hỗ trợ của người chăm sóc thực hiện vệ sinh răng miệng hằng ngày.

Bệnh lý răng miệng ở người cao tuổi

Răng bị bệnh nha chu là nguyên nhân gây hôi miệng, làm mất răng, ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi.

Bệnh nha chu

Bệnh nha chu là bệnh phá huỷ mô nâng đỡ của răng gồm: xương, lợi và hệ thống dây chằng nha chu. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm nhiễm này chính là mảng bám vi khuẩn. Dấu hiệu sớm của bệnh nha chu là lợi sưng, đỏ và dễ chảy máu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng chảy máu lợi thường do có sự tổn thương sâu bên dưới. Nếu không được chữa trị, bệnh viêm lợi sẽ tiến triển thành viêm nha chu.

Một khi mảng bám trên răng không được lấy đi thật sạch thì hàng triệu vi khuẩn trong đó sẽ kết hợp với các thành phần khác trong nước bọt tạo nên vôi răng. Vôi răng là cấu trúc rắn có bề mặt sần sùi, tạo điều kiện cho thức ăn và vi khuẩn tiếp tục bám vào. Chính vôi răng và độc tố từ vi khuẩn gây nên tình trạng viêm nhiễm và phá huỷ mô nâng đỡ của răng.

Hậu quả của sự tạo thành vôi răng và quá trình viêm nhiễm là nướu răng không còn ôm sát vào răng nữa, hình thành túi nha chu chứa đầy mảng bám. Càng ngày túi nha chu càng sâu thêm, mảng bám di chuyển sâu về phía chân răng và xương bị tiêu đi. Do vậy, người cao tuổi dễ bị tụt nướu, mất bám dính và tiêu xương.

Một số yếu tố như: tuổi càng cao; các tổn thương vùng miệng; bệnh toàn thân như bệnh tiểu đường, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin C…; các loại thuốc điều trị bệnh như thuốc chống tăng huyết áp loại ức chế kênh Ca, thuốc chống co giật, cyelosporin… có thể gây tổn thương đến mô nha chu.

Nếu đã được bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh nha chu thì bạn sẽ phải đi điều trị và tái khám định kỳ để theo dõi sát sao tình trạng răng miệng.

Khô miệng

Quá trình lão hóa không nhất thiết gây ra khô miệng. Tuy nhiên, người cao tuổi hay dùng thuốc có thể gây khô miệng và nhiều rối loạn sức khỏe khác cũng có thể gây ra khô miệng; Do tác dụng phụ của một số thuốc, thường gặp là thuốc điều trị đau dây thần kinh và giảm lo âu, thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi, thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau. Thuốc hóa trị liệu, một chấn thương hoặc phẫu thuật gây tổn thương thần kinh vùng đầu và cổ có thể gây ra sự sụt giảm đáng kể trong sản xuất nước bọt dẫn đến khô miệng.

Khô miệng có thể là hậu quả của tình trạng sức khỏe nhất định, bao gồm cả các bệnh tự miễn dịch hội chứng Sjogren hay HIV/AIDS. Ngáy và thở bằng miệng cũng đóng góp cho khô miệng; Sử dụng thuốc lá: Hút thuốc hoặc thuốc lá nhai có thể tăng triệu chứng khô miệng; Sử dụng methamphetamine có thể gây ra khô miệng nghiêm trọng và hư hỏng răng.

Điều trị khô miệng: Nếu thuốc là nguyên nhân, có thể điều chỉnh liều lượng hoặc thay thế một loại thuốc mà không gây khô miệng; Dùng sản phẩm dưỡng ẩm miệng bao gồm nước súc miệng, nước bọt nhân tạo hoặc chất dưỡng ẩm… Bác sĩ hoặc nha sĩ có thể kê toa dùng pilocarpine hoặc cevimeline để kích thích sản xuất nước bọt, giảm khô miệng.

Rối loạn vận động và suy yếu vị giác

Người cao tuổi thường bị rối loạn phản xạ nuốt và tư thế cơ miệng. Khả năng nhai và nuốt ở người cao tuổi (dù còn đủ răng) vẫn kém hiệu quả. Những bệnh toàn thân như tai biến mạch máu não, Parkinson hoặc dùng một số thuốc như phenothiazine dễ gây sặc hay hít thức ăn vào đường thở. Bệnh thoái hoá khớp có thể ảnh hưởng trên khớp thái dương hàm cũng ảnh hưởng đến khả năng nhai. Do suy giảm vị giác nên nhiều người cao tuổi than phiền là ăn không ngon miệng, không cảm nhận được mùi và vị của thức ăn. Một số nghiên cứu cho thấy: mùi ít bị ảnh hưởng do tuổi còn vị giác lại giảm dần khi tuổi tăng lên. Do không cảm nhận được mùi vị thức ăn, giảm sút về vận động các cơ vùng miệng, giảm tiết nước bọt dễ làm cho người cao tuổi chán ăn, thiếu chất, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống.

Lời khuyên phòng bệnh

Các bệnh răng miệng chiếm tỷ lệ khá cao. Theo kết quả điều tra sức khỏe của Viện Răng hàm mặt Quốc gia: Từ 45 tuổi trở lên có 93,2 % người mắc bệnh viêm lợi, viêm quanh chân răng. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng càng lớn. Các bệnh răng miệng còn là các ổ nhiễm trùng tiềm tàng trong khoang miệng và là nguyên nhân của nhiều bệnh nội khoa toàn thân như viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận. Chính vì vậy, cần duy trì thực hiện thói quen vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày, chải răng ngay sau khi ăn bữa chính và hạn chế ăn vặt trong ngày để dự phòng sâu răng và làm sạch mảng bám răng; dùng chỉ tơ nha khoa làm sạch kẽ răng, dùng dung dịch nước súc miệng giúp trong miệng luôn có nồng độ kháng sinh loãng chống vi khuẩn. Nên khám răng miệng định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện bệnh răng miệng sớm và điều trị kịp thời ngay ở giai đoạn đầu của bệnh.

ThS.BS. Đỗ Thị Thu Nga


Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook