5 ngón tay trái của bé Minh bị hoại tử tím đen (Ảnh Mai Hương)
Hiện tại, bé sơ sinh 1 tháng tuổi bị hoại tử 5 đầu ngón tay sau tiêm vắc xin lao vẫn đang phải thở máy, điều trị tích cực. Nếu các phần hoại tử không phục hồi tốt bé có thể bị tháo các khớp ngón tay.
Sự việc cháu Khuất Tiến Minh (sinh ngày 16/2/2014) ở xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình bị hoại tử 5 ngón tay trái sau tiêm vắc xin phòng bệnh lao đã gây xôn xao dư luận trong vài ngày qua.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, bé chào đời bằng phương pháp sinh thường, nặng 4,2kg, hoàn toàn khỏe mạnh. Khi bé Minh được 18 ngày tuổi, gia đình đưa bé đi tiêm phòng vắc xin lao tại trạm y tế xã.
Một ngày sau tiêm, bé Minh có biểu hiện quấy khóc suốt đêm, bỏ bú. Hai ngày sau bé có thêm triệu chứng ho, khò khè, khó thở. Đặc biệt, đến ngày thứ 3 sau tiêm, bé bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bầm tím 5 ngón tay của bàn tay trái.
Quá lo lắng, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cháu được chuyển thẳng vào khoa cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ cho biết, cánh tay trái vừa tiêm phòng của cháu bị tím hết. Bé được chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng phải thở bằng máy.
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Sơ sinh cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái, ngừng thở, suy tuần hoàn.
Trẻ bị hoại tử có phải do vắc xin?
Với những diễn biến sự việc gia đình cho rằng bé Minh bị biến chứng sau tiêm vắc xin phòng bệnh lao. Thông tin này khiến rất nhiều bậc cha mẹ lo sợ không dám đưa trẻ đi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, việc bé Minh bị hoại tử các ngón tay có thật sự là do chất lượng vắc xin?
TS Hà cho biết, ngay khi thăm khám bác sĩ chẩn đoán bé Minh bị nhiễm khuẩn huyết toàn thân rất nặng nề, phải thở máy, bị rối loạn đông máu nội mạc.
Tuy nhiên, nguyên nhân của nhiễm khuẩn huyết không phải là do vắc xin. Bởi biến chứng tiêm phòng lao không gây biểu hiện lâm sàng như thế. Thay vào đó, trẻ thường sốt liên tục, có ổ ápxe tại chỗ tiêm, nặng hơn thì nổi hạch lao…
“Với trường hợp của bé Minh, vị trí tiêm vắc xin hoàn toàn bình thường mà bé bị hoại tử ở các ngón tay. Phim chụp Xquang không cho thấy trẻ bị nhiễm lao, trẻ cũng không có biểu hiện của phản ứng sau tiêm vắc xin. Do đó có thể khẳng định bệnh nhi bị hoại tử các ngón tay không liên quan đến vắc xin”, TS Hà khẳng định.
TS Hà cũng cho biết thêm, BV Nhi Trung ương từng tiếp nhận những bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên, những ca nhiễm trùng huyết nặng như bé Minh mới dẫn tới đông máu nội mạch rải rác.
Chính việc đông máu nội mạch đã gây tắc mạch ở bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể. Khi tắc trong vòng 5-10 phút, bộ phận bị hiếu máu bắt đầu tím, hoại tử, bộ phận hoại tử hay gặp nhất là ở đầu ngón tay, ngón chân, tai.
“BV Nhi Trung ương đã từng tiếp nhận những ca hoại tử chi (ngón tay, ngón chân) do nhiễm trùng huyết giống như của bé Minh. Việc hoại tử do nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm, trẻ rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời”, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Sơ sinh, BV Nhi Trung ương.
Nói về nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm trùng huyết, TS Hà lý giải, với người sức đề kháng quá yếu như nhiễm HIV giai đoạn cuối, trẻ sinh non, cơ thể có thể bị bất kỳ vi khuẩn gì tấn công gây nhiễm trùng huyết.
Tuy nhiên, có những trường hợp không tìm được nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết. Đôi khi có những cháu vào viện trong tình trạng nhiễm trùng rất nặng nề không giải thích được, không tìm thấy đường vào như trường hợp này của bé Minh.
Bệnh nhiễm trùng huyết thường diễn biến 3 ngày trước khi có biểu hiện hoại tử. Với trường hợp của bé Minh, bé có biểu hiện bất thường về sức khỏe đúng trước ba ngày xuất hiện việc hoại tử các ngón tay.
Thời gian ủ bệnh đúng vào thời điểm tiêm vắc xin phòng lao nên gia đình mới tưởng nguyên nhân là do tiêm vắc xin nhưng thực tế lại không phải. Trong trường hợp này, nếu gia đình đưa trẻ đi khám sớm, ngay khi có dấu hiệu sốt, ho, người li bì thì bệnh sẽ không diễn tiến nặng và gây hoại tử 5 đầu ngón tay.
TS Hà cho biết, tình trạng sức khỏe của bé Minh đến nay vẫn nguy kịch sau 2 tuần điều trị, trẻ vẫn đang được thở máy và điều trị tích cực. Dù các bác sĩ đã áp dụng chế độ điều trị đặc biệt, truyền các chế phẩm máu nhưng hiện vẫn chưa đánh giá được di chứng hoại tử thế nào dù phần hoại tử không lan rộng thêm.
“Nếu sau một thời gian điều trị nữa, phần hoại tử không phục hồi được trường hợp xấu nhất trẻ có thể sẽ phải tháo khớp ngón tay”, BS Hà chia sẻ.
Chưa có bình luận.