Thứ Tư, 21/10/2015 | 09:30

Đây là nhận định của GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng, lương của bác sỹ thấp buộc họ phải tự mưu sinh, gây tâm lý làm công ít thôi, làm ngoài là chính.

GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng nhận định trong buổi làm việc với báo chí TP.HCM hôm 19/10: “Ngành y đang chuyển dần từ phục vụ sang dịch vụ. Nghề y là nghề đặc biệt, ta có nên để bác sĩ tự mưu sinh không?”

GS. Hùng cho biết, thực tế thầy thuốc hiện đang tự mưu sinh, mạnh ai nấy vươn. Điều này là do chế độ lương của bác sỹ đang quá thấp.

"Bác sỹ lương thấp nên làm ít thôi, làm ngoài là chính"
GS Phạm Mạnh Hùng: Lương thấp tạo nên tâm lý làm công ít thôi, làmngoài là chính.

“Lương bác sĩ ai cũng thấp. Vì lương thấp nên nảy sinh tâm lý làm vừa phải thôi, làm ngoài là chính. Có người còn ví một số bác sĩ chạy sô như ca sĩ. Bác sĩ ở TP. còn đỡ, có cơ hội kiếm tiền dễ dàng hơn, nhưng bác sĩ ở vùng sâu xa thu nhập vào đâu? Chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi, ai thèm làm ở tuyến cơ sở ban đầu xa xôi nữa?” – GS Hùng trăn trở.

Trải qua 50 năm trong nghề, vị GS 71 tuổi tâm sự: “Ban đầu chính tôi là người ác cảm với việc bác sĩ đi làm tư. Sau đó, tôi thấy phải thay đổi suy nghĩ. Đồng tình cho anh em kiếm sống nhưng đặc thù nghề y đặc biệt. Từ đó bắt buộc thầy thuốc phải đặt tính mạng bệnh nhân trên sự mưu sinh của bản thân. Bởi theo tôi, làm được điều này, bác sĩ sẽ đạt được 2 mục đích: trước tiên là cứu người, thứ 2 đây cũng là điều kiện để hành nghề kiếm sống. Bác sĩ có uy tín mới được bệnh nhân tín nhiệm, tìm đến”.

Dù vậy, GS Hùng vẫn nhấn mạnh ranh giới mong manh, cảnh báo các thầy thuốc luôn hành động đúng với lương tâm nghề nghiệp. GS Hùng cho rằng, muốn làm gì, phát triển thế nào thì ngành y tế vẫn phải đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân thật công bằng, hiệu quả.

“Ta coi trọng y tế cơ sở, coi trọng điều trị nhưng không được lơ là y tế dự phòng, coi trọng công nghệ cao nhưng không được bỏ qua chăm sóc y tế tuyến ban đầu, coi trọng cả nhu cầu và yêu cầu của người bệnh nhưng phải thật hài hòa đúng mực, chuyên nghiệp”– GS Hùng nhấn mạnh.

Nhận định này của GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng xuất phát từ thực tế các bác sĩ nhận được nhiều lời mời từ phía các gia đình bệnh nhân có nhu cầu chăm sóc riêng hoặc các bệnh viện tư để làm thêm.

Trường hợp bác sĩ Trần T. (Bệnh viện Gia Định, TPHCM) cho biết ông rất ít khi có mặt ở nhà vào ban đêm, phần lớn thời gian này trực tại Bệnh viện Vạn Hạnh. Ban ngày ông làm ở bệnh viện công, ban đêm, ngoài một đêm trực ở bệnh viện nhà nước, 5 đêm làm thêm.

Hay như trường hợp của TS.BS Nguyễn V. K. (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM). 5h chiều, TS.BS Nguyễn V. K. có mặt tại Bệnh viện FV. Nhưng khi ông vừa rời khỏi cổng bệnh viện, Bệnh viện STO Phương Đông gọi cho ông: Có một ca mổ gấp. Vị bác sĩ yêu cầu tài xế quay đầu xe. Mổ xong ở STO, ông K. qua FV rồi đến BV chuyên về thần kinh sọ não ở quận Bình Tân. Mỗi cuộc mổ dịch vụ ông được trả 5-7 triệu đồng. Gần như ngày nào ông cũng chạy sô như vậy.

Song thực tế này không hoàn toàn là do nhu cầu tâm lý người bệnh thích dịch vụ tư mà là do lương thấp khiến bác sỹ buộc phải tự lo cho cuộc sống của mình.

Bác sĩ Nguyễn V. S (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TPHCM) nói với phóng viên rằng, nếu chỉ nhìn vào đồng lương nhà nước, có lẽ bác sĩ khó mà yêu nghề được. Với thâm niên hơn 10 năm, tổng thu nhập của một bác sĩ không vượt quá 10 triệu đồng/tháng, gồm cả tiền trực đêm và phụ cấp.

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh T. từng công tác tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM phải nói lời chia tay sau gần 10 năm gắn bó. Bác sĩ này nói rằng, thu nhập ngoài lương của trưởng, phó khoa ở bệnh viện công cũng chỉ khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng. Đó là những khoản tiền phẫu thuật dịch vụ, tham gia hội chẩn theo yêu cầu…

“Nói thế để thấy rằng, việc bác sĩ mở phòng mạch tư, chạy sô làm thêm tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân là hoàn toàn chính đáng để đảm bảo cuộc sống”, BS. Nguyễn Vĩnh T. nói.

Giám đốc một bệnh viện công ở quận 5, TPHCM nói rằng, bệnh viện không cấm bác sĩ mở phòng mạch hay chạy sô ngoài giờ. Tuy nhiên, sẽ bị kỷ luật nếu bỏ trực hay ăn gian giờ để làm thêm.

“Chúng tôi luôn khuyến khích bác sĩ làm thêm để ổn định cuộc sống khi lương còn thấp, nhưng cũng khuyên họ đừng để ảnh hưởng đến uy tín bệnh viện công nơi công tác”, ông nói.

Tuy vậy, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng, cần khuyến khích bác sĩ làm thêm ở các cơ sở tư nhân. Họ hợp tác để chuyển giao công nghệ, giúp giảm tải cho bệnh viện là cần thiết. Tuy nhiên, bác sĩ làm ngoài giờ, phải sắp xếp ổn thỏa công việc tại nơi công tác.

Hồng Cúc (Tổng hợp)

Nguồn: Báo Đất Việt

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook