Những bệnh xã hội không chỉ nguy hiểm, khó chữa mà một khi chúng lan lên mặt còn khiến cho người bệnh mặc cảm, mất tự tin. Bác sĩ phụ khoa Nguyễn Phương Hồng sẽ có những tư vấn hữu ích xung quanh vấn đề này.
Hầu hết các bệnh xã hội lây nhiễm qua đường tình dục đều nguy hiểm và khó chữa. Đặc biệt, các bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus có thể lan lên mặt và gây ra tổn thương ở vùng mặt. Phóng viên báo Em đẹp đã có buổi phỏng vấn bác sĩ phụ khoa Nguyễn Phương Hồng, hiện đang công tác tại bệnh viện ung bướu Hưng Việt để tìm hiểu về những bệnh xã hội thường gặp hiện nay.
Xin bác sĩ cho biết những bệnh lây lan qua đường tình dục gồm những bệnh gì và mức độ nguy hiểm của nó ra sao ?
Các bệnh lây lan qua đường tình dục gồm bệnh lậu, nhiễm Chlamydia đường sinh dục, giang mai, Écpet (Herpes) sinh dục, sùi mào gà, loét hạ cam, bệnh hột xoài (Bệnh Nicolas – Favre), HIV/AIDS.
Những bệnh này khi không được chữa trị kịp thời và đúng cách, có thể có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây ra các bệnh này là gì thưa bác sĩ?
Đối với bệnh lậu, bệnh gây ra do song cầu khuẩn lậu (Neisseria gonorrhoeae). Bệnh lây qua đường tình dục là chủ yếu. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây gián tiếp qua dụng cụ khám bệnh có dây mủ lậu, nhưng chưa được khử trùng kỹ. Bệnh cũng có thể lây từ mẹ sang con, mẹ bị lậu không được phát hiện, điều trị, trong cuộc sinh nở, dẫn đến con bị lây từ mẹ…
Bệnh thường có thời gian ủ bệnh từ 3 – 5 ngày kể từ khi quan hệ tình dục với người bị bệnh lậu.
Xin bác sĩ cho biết biểu hiện của các bệnh này.
Ở nam giới, bệnh thường có các biểu hiện như ngứa ở bên trong của lỗ niệu đạo ngoài, mép của lỗ niệu đạo tấy đỏ, sốt cao, rét run, 39 – 40 oC, chất nhầy chảy ra kèm theo cảm giác đái nóng, đái buốt, sau đó chảy mủ màu trắng đục, vàng nhạt đục hoặc mủ màu xanh nhạt, đục, đái buốt tăng lên làm cho bệnh nhân phải đái từng giọt, …
Bác sĩ phụ khoa Nguyễn Phương Hồng.
Các triệu chứng của viêm niệu đạo mạn tính ở nam giới thường sẽ như sau: Sau 1 tháng, lậu cấp tính nếu không được điều trị sẽ trở thành lậu mạn tính. Đái buốt, đái rắt giảm. Không còn sốt hoặc chỉ còn sốt nhẹ.
Đối với bệnh nhiễm Chlamydia sinh dục, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Chlamydia Trachomatis. Vi khuẩn này có thể lây truyền qua đường tình dục với người bị bệnh là chủ yếu. Lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ là ít gặp hơn.
Với bệnh giang mai, tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn giang mai (Treponema Pallidum). Người mắc bệnh giang mai, kể cả giang mai kín là nguồn bệnh duy nhất.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục là chủ yếu. Lây truyền qua đường máu (tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không vô khuẩn, …) ít gặp hơn. Bệnh cũng có thể truyền từ mẹ sang con (mẹ bị bệnh giang mai truyền bệnh cho con qua nhau thai, từ tháng thứ 4 trở đi), trường hợp này rất ít khi gặp.
Khi nào các bệnh lây truyền qua đường tình dục lan lên mặt ?
Bệnh giang mai không được điều trị đúng quy cách, tiến triển sang đến giang mai thời kỳ 2 tái phát, có thể có các vết trợt loét ở quanh mép, mũi, …
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn như lậu, Chlamydia, loét hạ cam,… có thể gây ra các tổn thương ở mặt của một người khi:
– Vùng mặt của người đó có vết thương (các vết rách da, xây xát, …).
– Mặt người đó tiếp xúc với dịch của cơ quan sinh dục người đang bị bệnh.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus (Herpes sinh dục, Sùi mào gà, HIV / AIDS), có thể gây ra các tổn thương ở mặt của một người khi mặt của người đó tiếp xúc với dịch của cơ quan sinh dục bạn tình, đang bị các bệnh đã nêu ở trên (virus có thể xâm nhập qua niêm mạc mắt, miệng, mũi và gây ra các tổn thương ở mắt, môi, quanh mũi, …).
Làm cách nào để bệnh không lan lên mặt khi đã mắc bệnh thưa bác sĩ?
Khi bị bệnh, tốt nhất là đi khám điều trị ngay, càng sớm càng tốt. Phải đến cơ sở y tế chuyên sâu để được các bác sỹ chuyên khoa có nhiều kinh nghiệm khám và điều trị.
Khi đã mắc bệnh, trong sinh hoạt tình dục, phải biết tự bảo vệ mình và bạn tình, bằng cách: Đeo bao cao su khi quan hệ tình dục, tránh để tay chân của mình cũng như của bạn tình dây vào dịch của cơ quan sinh dục, sau đó chạm vào mặt, mắt, môi, miệng,…của mình cũng như của bạn tình. Không để mặt, các giác quan của mình (miệng, mũi, mắt, …) tiếp xúc với cơ quan sinh dục hoặc dịch của cơ quan sinh dục của bạn tình đang bị bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Mai Kiều
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.