Thứ Sáu, 16/06/2017 | 09:55

Mùa hè là mùa của các loại vi rút phát triển. Vi rút gây ra bệnh viêm não phát triển trùng vào mùa vải chín nên dễ gây hiểu nhầm cho mọi người.

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thông cho rằng việc ăn vải có thể gây ra viêm não Nhật Bản. Thông tin này khiến cho các bà mẹ rất hoang mang vì khoảng thời gian này đúng vào với điểm vải chín.

Trao đổi với BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt Đới TW về mối liên quan giữa quả vải và bệnh viêm não Nhật, bác sĩ khẳng định, ăn vải không thể gây ra bệnh viêm não.

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Viêm não không lây qua đường tiêu hóa hay ăn uống.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lý giải thêm, mùa vải chín tháng 6-7 trùng vào mùa xuất hiện của bệnh viêm não. Trước đây, khi chưa có vắc xin phòng viêm não Nhật Bản số bệnh nhi thường tăng cao. Tuy nhiên, bản thân quả vải hoàn toàn không có mối liên quan gì tới bệnh viêm não. Vào mùa vải chín, loài chim tu hú ăn vải di cư tới Việt Nam. Loài chim này mang theo vi rút nếu muỗi đốt vào chim sau đó đốt sang các loài động vật lợn, trâu, bò và con người sẽ bị mắc bệnh. 

Bác sĩ 'minh oan' cho loại quả đang bị đồn đại ăn vào có thể gây viêm não Nhật Bản gây hoang mang

Viêm não không lây qua đường ăn uống.

Ở Việt Nam, muỗi gây ra viêm não thường hoạt động từ chập choạng tối đến đêm, muỗi từ cánh đồng bay về các chuồng gia súc để kiếm ăn, hút máu súc vật. Nếu chuồng gia súc gần nhà thì muỗi bay vào nhà hút máu người và truyền bệnh.

Trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường có những triệu chứng như: sốt cao 39-40 độ, kèm theo đau đầu, buồn nôn, nôn… Sau đó, trẻ có thể bị co giật, cơ cứng, liệt có rối loạn thần kinh (vật vã, li bì, hôn mê).

Viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ sẽ khó phát hiện hơn do triệu chứng không điển hình. Khi chăm sóc cần chú ý đến một số dấu hiệu sau để phát hiện bệnh sớm như, trẻ sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% – 20%.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo cách phòng bệnh viêm não hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin. Hạn chế không cho trẻ chơi cạnh chuồng gia súc. Vào thời điểm chiều tối nên mặc áo dài tay dài chân để hạn chế muỗi đốt, đi ngủ phải bỏ màn…

Không nên đổ oan cho quả vải

Còn theo GS.TS Dương Trọng Hiếu, mùa hè là mùa của các loại vi rút phát triển. Vi rút gây bệnh viêm não phát triển trùng vào mùa vải chín nên dễ gây ra nhầm lẫn cho mọi người. Khi vải chín, chim tu hú về ăn mang theo vi rút. Khi muỗi đốt con chim tu hú mang mầm bệnh đó rồi đốt  sang người có thể gây bệnh. Vì vậy, không nên đổ oan cho quả vải.  

GS. Dương Trọng Hiếu cho biết, quả vải là một loại quả quý trong Đông y. Ngày xưa, loại quả này được trồng chuyên để dâng lên vua chúa. Vải là loại quả của mùa nóng, tác dụng ôn ấm, sinh tân dịch, chống lại mệt mỏi cho cơ thể.

Trong Đông y, dùng vải với mục đích an thần, tăng dinh dưỡng cho cơ thể. Quả vải có tính nóng nhiều đường, vì vậy ăn nhiều có thể gây mụn nhọt và nóng trong.

“Quả vải không có chống chỉ định. Tuy nhiên, người bị tiểu đường không nên ăn. Người mụn nhọt, táo bón nên hạn chế, phụ nữ mang thai không khuyến khích ăn nhiều có thể gây khó chịu bức bối, kém ăn và mất ngủ. Liều lượng ăn tốt cho sức khỏe chỉ từ 3-5 quả mỗi  ngày” GS.TS Dương Trọng Hiếu nói.

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook