Theo các chuyên gia, 70% phụ nữ sau sinh bị mắc trầm cảm, nhưng bản thân họ không biết đó là bệnh lý.
Sau vụ án mạng trẻ 33 ngày tuổi bị chết ngạt trong chậu nước. Nguyên nhân cái chết thường tâm của bé có thể do người mẹ bị mắc trầm cảm, hoang tưởng dẫn tới việc giết con. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo sự thờ ơ với phụ nữ sau sinh. Rất nhiều chị em sau khi đã đọc được thông tin bà mẹ trầm cảm giết con tự nhận đã từng bị trầm cảm.
Chị Đặng Thị Thu Hà (28 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, chị đã từng bị trầm cảm sau sinh hai lần. Cho nên bản thân chị rất thấu hiểu vấn đề này.
“Sau hai lần sinh con, tôi đều bị trầm cảm. Lần sinh con đầu,tôi bị mất ngủ do chưa quen với việc chăm sóc một đứa trẻ. Lần thứ hai sinh con, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để không bị rơi vào trầm cảm. Nhưng lần này lại bị nặng hơn lần 1. Tôi không quen với việc cùng một lúc có hai đứa trẻ và cảm thấy có lỗi với đứa con lớn. Khi đó tôi không kiểm soát được bản thân và có hành động như: đánh con lớn, bỏ bê đứa nhỏ, thấy chán đời, thèm ngủ. Lắm lúc thấy ghét con kiểu như “vì mày mà tao bị khổ thế này”, Chị Hà tâm sự.
Hai lần bị trầm cảm chị Hà đã vượt qua nhờ sự quan tâm chăm sóc của chồng.
Chị Hà cảm thấy cô đơn tuyệt vọng khi bị giam trong bốn bức tường, cái giường. Đứa con nhỏ cứ hết ăn, đi ngoài rồi tè khiến chị mệt mỏi. Nhiều lúc chị chưa kịp ngủ thì con lại dậy quấy khóc. Việc thiếu ngủ, tinh thần suy nhược khiến chị có thể cáu gắt bất cứ lúc nào.
Theo chị Hà, cách để chị thoát được khỏi trầm cảm là nhờ sự quan tâm chăm sóc của chồng. “Hoá ra, sự quan tâm, đồng cảm của chồng là liều thuốc trị liệu trầm cảm sau sinh rất tốt. Hoặc chỉ cần được ngủ một giấc sâu khoảng 2 tiếng, đi gội đầu ngoài hàng là tâm trạng cải thiện rất nhiều! Dù có mẹ và chồng giúp đỡ, vượt qua được hai lần trầm cảm nhưng mỗi lần nghĩ lại cảm giác sau sinh đều khiến tôi sợ hãi”, chị Hà chia sẻ.
Đang sinh sống ở một đất nước phát triển có mọi điều kiện về y tế nhưng chị Nguyễn Thị Dịu (28 tuổi, sống tại Canada) cũng không tránh khởi được căn bệnh trầm cảm. Chị Dịu đã rất hoang mang khi lần đầu phải đảm nhiệm trọng trách làm mẹ. Chị Dịu rất bối rối khi con khóc liên tục, không có thời gian để ngủ, không biết phải cho con ăn như nào mới đúng…
“Trước lúc sinh tôi đã đọc rất nhiều kiến thức về chăm con. Nhưng khi con khóc không thể dỗ được thấy mình thật bất lực và vô dụng. Sau đó, nhờ tới sự hỗ trợ của nhân viên y tế mà tôi đã vượt qua”, chị Dịu tâm sự.
Hội chứng ngày thứ 3 sau sinh
Theo TS. Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Nữ, Phó giám đốc, Bệnh Viện Tâm thần Trung ương I, ngay sau khi sinh, rất nhiều chị em rơi vào trạng thái ngủ ít, dễ tủi thân, hay suy nghĩ linh tinh và có cảm giác là chồng và mọi người không quan tâm. Thường chị em sẽ có cảm giác buồn không rõ nguyên nhân, mệt mỏi nhiều… Đây được gọi là “Hội chứng ngày thứ 3 sau sinh”.
Đó là một hiện tượng sinh lý bình thường do sau sinh nồng độ Estrogen và các chất dưỡng thai giảm đột ngột. Đa số, sau một tuần thì các biểu hiện này qua đi. Nếu sau 1 tuần mà các biểu hiện này không giảm, ngược lại có xu hướng nặng hơn. “Hội chứng ngày thứ 3” nặng hơn sẽ khiến nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh là rất cao.
“Để phòng trầm cảm sau sinh, trong thời kỳ có thai nên khám định kỳ thai sản. Trong tuần đầu sau sinh, vấn đề tâm lý rất quan trọng, nhất là vai trò của chồng. Lúc này vợ rất cần sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của chồng khi đó mọi triệu chứng sẽ qua đi. Nếu không quan tâm giúp đỡ, ngược lại còn cho là người phụ nữ lười biếng… đó là nguy cơ rất cao gây trầm cảm sau sinh”, TS. Phương cho hay.
Còn theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, 70% phụ nữ sau sinh bị trầm cảm sau sinh. Có nghĩa là cứ 10 người phụ nữ sau sinh thì có 7 người bị trầm cảm. Mức độ trầm cảm của từng người là khác nhau biểu hiện từ nhẹ cho tới nặng. Nếu như các triệu chứng rối loạn cảm xúc kéo dài quá 2 tuần chị em cần phải đi khám ngay lập tức.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.