Thứ Tư, 02/08/2017 | 10:55

Lương y Bùi Hồng Minh cho hay, say tàu xe do phản ứng của cơ thể kết hợp với thay đổi áp suất trong quá trình đi lại và sức khỏe mệt mỏi. Phụ nữ, trẻ nhỏ hay bị say xe nhiều hơn so với nam giới.

Dùng gừng tươi cực kỳ hiệu quả

Trong dịp nghỉ hè, trẻ nhỏ thường được gia đình cho đi chơi xa nên không tránh khỏi việc có thể bị say tàu xe. Nhiều bố mẹ đau đầu không biết dùng cách nào giúp con giảm bớt say tàu xe mà vẫn an toàn. Đặc biệt, mới đây nhất trường hợp bé gái 8 tuổi đã bị ngộ độc miếng dán say tàu xe khiến cho các bậc phụ huynh không tránh khỏi sự lo lắng.

Chị Bùi Phương Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị chuẩn bị đi chơi xa nhưng bé Lan (7 tuổi con gái chị Mai) thường bị say xe. Chị Lan cũng đang băn khoăn không biết dùng cách an toàn nào có thể giảm được triệu chứng say tàu xe cho con. Cùng chung tâm trạng với chị Mai, sau khi đọc được thông tin bé gái bị ngộ độc miếng dán say tàu xe, chị Nguyễn Minh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) đã rất lo lắng. 

Trao đổi với Lương Y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình về cách giảm triệu chứng say tàu xe an toàn cho trẻ nhỏ, ông cho hay, say tàu xe do phản ứng của cơ thể với áp suất trong quá trình đi lại kết hợp với sức khỏe mệt mỏi. Phụ nữ, trẻ nhỏ hay bị say xe nhiều hơn so với nam giới.

Bác sĩ Đông y mách mẹo hay, mẹ biết từ hôm nay đảm bảo con không say xe khi đi ô tô nữa đâu

Bác sĩ Đông y mách mẹo hay, mẹ biết từ hôm nay đảm bảo con không say xe khi đi ô tô nữa đâu

Lương Y Bùi Hồng Minh hướng dẫn cách xác định huyệt nội quan để chống say tàu xe.

Một số người say tàu xe do quá mẫn cảm với các mùi trên xe như xăng, hơi người. Say xe còn do bụng quá đói hoặc quá no, cơ thể mệt mỏi, mất ngủ… ảnh hưởng tới hệ thần kinh. Say xe còn có thể gặp ở một số người có huyết áp thấp, rối loạn tiền đình.

“Say tàu xe là phản ứng rất bình thường của cơ thể trước những kích thích xảy ra khi đi tàu xe. Những kích ứng này khiến cho bản thân cơ thể không thể thích nghi được. Triệu chứng của người say tàu xe thường buồn nôn, nôn, đau đầu (do thiếu máu lên não)”, Lương y Bùi Hồng Minh nói.

Cách gì chống say xe an toàn cho trẻ

Trong y học cổ truyền, dùng gừng là cách an toàn để giảm các triệu chứng say tàu xe.  Gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị. Gừng sống còn được gọi sinh khương có tác dụng tán phong hàn, chống nôn ói.

“Trước giờ xe khởi hành dùng một miếng gừng tươi buộc vào huyệt nội quan trên tay. Huyệt nội quan nằm ở bên khớp cổ tay, trên vân ngang cổ tay, khoảng giữa ngón tay giữa và gân mu bàn tay. Buộc gừng vào huyệt nội quan có tác dụng nóng ấm mạch giúp máu huyết lưu thông vào tim và lên não tốt hơn. Trong suốt quá trình di chuyển, dùng một lát gừng tươi giã nát hoặc nhai ngâm trong miệng sẽ giúp giảm cảm giác bị nôn”, Lương y Bùi Hồng Minh cho hay.

Trong trường hợp say xe không có gừng để buộc vào huyệt nội quan có thể day ấn nhiều lần để giúp khí huyết lưu thông giảm được triệu chứng say tàu xe.

Theo Lương y Bùi Hồng Minh, người khó chịu với mùi trên xe có thể ngửi bánh mì hoặc ngửi vỏ chanh, vỏ quýt. Tinh dầu có trong vỏ cam và quýt giúp thư giãn tinh thần giúp người say xe không nghĩ tới cảm giác say xe. Hoặc có thể vò lá trầu không và hít ở mũi sẽ át đi mùi khó chịu trên xe, kết hợp với việc giã trầu không buộc vào rốn để giúp làm ôn ấm cơ thể giảm được cảm giác nôn ói.

 

 
                                                                                                                                                         Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook