Với những người không có bệnh lý đặc biệt, phương pháp gây tê tủy sống và gây tê màng cứng hoàn toàn tốt cho mẹ và khỏe mạnh cho con.
Chị Đặng Thị Thoa (Đông Anh, Hà Nội) tâm sự, khi đọc được thông tin mổ đẻ không áp dụng gây tê tủy sống chị đã rất hoang mang. Thông tin này sau đó đã được xác định là văn bản Bộ Y tế chỉ nói không áp dụng gây tê tủy sống cho các trường hợp sản phụ bị rau tiền đạo, sản giật… còn các trường hợp sức khỏe bình thường thì vẫn có thể sử dụng.
Chị Thoa cho biết, năm 2012, chị sinh con đầu lòng bằng phương pháp sinh mổ và được gây tê bằng phương pháp gây tê màng cứng.
Chị Thoa chuẩn bị sinh con thứ 2, gần đây chị đọc được thông tin mổ đẻ sẽ được gây mê tủy sống. Điều này khiến cho chị Thoa có nhiều thắc mắc và phân vân, cũng là sinh mổ nhưng tại sao lại được áp dụng hai phương pháp gây tê khác nhau.
Không chỉ có chị Thoa hoang mang mà hiện nay, rất nhiều chị em chuẩn bị sinh đang bị nhầm lẫn giữa hai phương pháp gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng.
GS. Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc Gia (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, trước đây khi sinh mổ chưa có gây tê tủy sống các bác sĩ thường phải sử dụng phương pháp gây tê màng cứng. Nhưng hạn chế của phương pháp gây tê màng cứng là do sử dụng kim tiêm to, dễ bị rò dịch não tủy, gây ra di chứng đau đầu, thậm chí có những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng sản phụ.
“Để đảm bảo an toàn tính mạng cho những trường hợp được bác sĩ chỉ định sinh mổ, phương pháp gây tê tủy sống đã ra đời. Hiện nay, phương pháp gây tê tủy sống được thay thế hoàn toàn cho gây tê màng cứng trong sinh mổ. Ưu điểm của phương pháp gây tê tủy sống là sử dụng kim nhỏ gây tê trực tiếp vào tủy sống ít có di chứng. Vì vậy, các chị em sử dụng phương pháp gây tê tủy sống nên yên tâm sử dụng không nên quá lo lắng ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và em bé”, GS Tiến nói.
Theo GS. Tiến, phương pháp gây tê tủy sống hiện nay được áp dụng đa phần cho các trường hợp sinh mổ. Còn phương pháp gây tê ngoài màng cứng thường dùng cho sinh thường “không đau”.
Đẻ không đau có nên sử dụng?
Bác sĩ Tạ Việt Cường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay, gây tê trục thần kinh hỗ trợ cho sinh sản hiện nay có 2 phương pháp là gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng. Đây cũng là 2 phương pháp được dùng khá phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, 2 phương pháp này cũng được bác sĩ sản khoa dùng khá phổ biến. Đây được gọi là phương pháp “sinh không đau”, nhưng có chống chỉ định với các trường hợp bệnh lý đặc biệt như rau tiền đạo, sản giật, tiền sản giật…
Gây tê tủy sống hiện nay được áp dụng cho đa số các trường hợp sinh mổ. Còn gây tê màng cứng được sử dụng cho những trường hợp sinh con tự nhiên. Cả hai phương pháp này đều nhằm mục đích để tránh gây đau đớn và mất sức cho sản phụ trong quá trình sinh nở.
“Với những người không có bệnh lý đặc biệt, phương pháp gây tê tủy sống và gây tê màng cứng hoàn toàn tốt cho mẹ và khỏe mạnh cho con. Phương pháp gây tê tủy sống và màng cứng hiện nay có tác dụng phụ không đáng kể”, bác sĩ Cường nói.
Nói về việc sản phụ sinh thường sợ đau nên dùng gây tê màng cứng, bác sĩ Cường nói: “Ai cũng muốn sinh không bị đau đớn cả. Nếu có một phương pháp giúp sản phụ bớt đi đau đớn ít tác dụng phụ thì sao lại không áp dụng, các sản phụ sẽ có sức khỏe để chăm sóc cho con tốt hơn sau sinh. Với một số trường hợp sản phụ có cơn co bóp tử cung mạnh nên rất đau. Nếu đau đớn kéo dài vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể có thể khiến cho người phụ nữ kiệt sức ảnh hưởng tới quá trình chuyển dạ”.
Nói về tác dụng phụ của phương pháp “đẻ không đau”, bác sĩ Cường cho rằng rất ít tác dụng phụ. Trong trường hợp có tác dụng phụ có biểu hiện đau đầu, tê chân tay, đau lưng… cũng chỉ tồn tại 1-2 ngày rồi hết.
Trường hợp các mẹ thường chia sẻ sau khi gây tê tủy sống, gây tê màng cứng bị mỏi lưng cần phải xem xét tới các nguyên nhân khác. Phụ nữ sau khi sinh rất dễ bị đau lưng đó là do sự thay đổi tâm sinh lý trong quá trình mang thai, sinh con, nuôi con…
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.