Stress có thể gây ra nhiều tác hại cho cơ thể như ảnh hưởng tới não, tim, mắt… Stress cũng có thể gây ra những bệnh về da hoặc khiến nó trở nên trầm trọng hơn.
1. Mụn trứng cá
Mụn trứng cá có liên quan với stress nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa stress và trầm cảm, lo âu. Các chuyên gia y tế cho rằng cảm giác buồn khổ có thể gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, dẫn tới tình trạng viêm ở khắp cơ thể, bao gồm cả da. Hòa mình vào tự nhiên là cách tuyệt vời để giảm căng thẳng. Nếu bạn không thể ra ngoài, chỉ cần phóng tầm mắt nhìn ra xa hoặc ngắm một bức tranh phong cảnh là có thể giảm căng thẳng, giảm mụn trứng cá.
2. Vết thương
Những người nghe nhạc thư giãn trước và sau phẫu thuật ít bị stress hơn và phục hồi nhanh hơn so với các bệnh nhân khác. Stress có thể ảnh hưởng tới các tế bào miễn dịch trên da cần để giúp lành vết thương.
3. Đau
Khi phụ nữ thực hiện bài kiểm tra căng thẳng trước khi bị cảm giác nóng hoặc lạnh gây đau trên da, họ cảm nhận cơn đau dữ dội hơn. Căng thẳng làm giải phóng protein gây viêm gọi là cytokin, tham gia trong phản ứng miễn dịch có thể khiến cho các sợi thần kinh của da nhạy cảm hơn. Khi bị đau bụng kinh hoặc đau đầu, xem một đoạn video hài hước có thể giúp bạn quên đau đớn và cười to, làm giảm stress, giải phóng endorphin hạnh phúc từ đó làm giảm đau.
4. Bệnh vảy nến
Nhiều nghiên cứu tìm ra mối liên quan giữa trầm cảm, lo âu và stress với các triệu chứng của bệnh vảy nến. Một tổng quan được đăng trên tờ Dermatology Research and Practice cho biết 44% bệnh nhân vảy nến có cuộc sống căng thẳng trong giai đoạn trước khi xuất hiện bệnh. 88% có những đợt bệnh kịch phát do stress. Thiền là một cách để khắc phục tình trạng này.
5. Da kém bảo vệ
Trong một nghiên cứu năm 2015, các nhà khoa học tại ĐH Y Iwate ở Nhật Bản đã điều tra ảnh hưởng của căng thẳng tâm lý lên hàng rào bảo vệ da, giúp ngăn độc tố và giữ độ ẩm. Kết quả cho thấy stress làm suy yếu hàng rào này, khiến da dễ bị nhiễm trùng và mất nước.
Hãy đặt mục tiêu ngủ 7-8 giờ để giảm stress và cải thiện hệ miễn dịch của bạn.
6.Eczema
Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ sức khỏe tâm thần liên quan với eczema như thế nào, nhưng họ tin rằng chìa khóa của vấn đề có thể là hệ thần kinh tự chủ quá hoạt, giúp điều hòat stress. Điều này có thể dẫn tới đáp ứng miễn dịch gây viêm được cho là quan trọng đối với cơn kịch phát ở những bệnh nhân căng thẳng tâm lý bị viêm da dị ứng. Các chất có liên quan tới trình trạng viêm được tìm thấy trong máu của bệnh nhân trong đợt kịch phát. Hãy viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của bạn để làm giảm căng thẳng và tăng cường hệ miễn dịch.
7. Rụng tóc
Một nghiên cứu năm 2014 được đăng trên tờ Journal of Dermatology Ấn Độ cho thấy 38% số bệnh nhân rụng tóc từng mảng (một rối loạn da gây rụng tóc) bị trầm cảm, trong khi 62% bị lo âu. Mặc dù đây có thể là hậu quả từ việc đối phó với rối loạn này, nhưng kết quả cho thấy trầm cảm, lo âu có thể gây bệnh hoặc khiến bệnh tái phát. Cần đi khám bác sĩ và điều trị khi bị tình trạng này.
8. Phát ban
Liken phẳng là một dạng ban phổ biến xuất hiện trong miệng và các vùng da khác. Nghiên cứu được công bố năm 2014 trên tờ Journal of Clinical & Diagnostic Research đã so sánh những bệnh nhân bị bệnh này với một nhóm người khỏe mạnh. Bệnh nhân lo âu nhiều hơn và có lượng cortisol (hormon giải phóng stress) cao hơn đáng kể và một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những kết quả tương tự ở người bị viêm loét miệng. Hãy tập bất cứ môn thể dục nào để giúp bạn giảm căng thẳng và lo âu.
9. Ngứa
Stress mạn tính có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa liên quan đến bệnh da hoặc không. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy hệ thần kinh tự chủ cũng có liên quan và stress có thể gây ra những thay đổi ở một số vùng não gây ra cảm giác ngứa. Hãy sử dụng mùi hương để giảm stress. Hương vanilla và hương cam giúp thư giãn và làm cho tâm trạng tích cực hơn.
10. Trứng cá đỏ
Stress là một tác nhân phổ biến gây ra tình trạng đỏ bừng mặt ở người bị trứng cá đỏ. Các nhà nghiên cứu cho biết trứng cá đỏ làm thay đổi hệ thần kinh giao cảm theo cách khiến nó dễ bị ảnh hưởng như stress. Nhiều bệnh nhân kiểm soát những cơn kịch phát bằng kỹ thuật giảm stress như thở sâu và tưởng tượng. Chỉ cần nhắm mắt lại và tưởng tượng một khung cảnh êm dịu như trên bãi biển hoặc ngồi bên ngọn lửa ấm cúng.
BS Tuyết Mai
Theo Womansday
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.