Thứ Bảy, 05/05/2018 | 15:35

Ngày lễ chúng ta sum họp với gia đình, người thân, bạn bè và thường tổ chức những bữa tiệc thịnh soạn để đãi khách.

Ngày lễ chúng ta sum họp với gia đình, người thân, bạn bè và thường tổ chức những bữa tiệc thịnh soạn để đãi khách. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta nên ăn uống hợp lý như thế nào trong kỳ nghỉ lễ để vừa vui vừa tốt cho sức khỏe?

Ăn uống hợp lý trong kỳ nghỉ lễ

Chọn thức ăn khoa học cho kỳ nghỉ lễ

Về nguyên tắc dinh dưỡng theo khoa học thì chúng ta cần ăn đủ 4 nhóm thực phẩm là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất với số lượng vừa đủ theo nhu cầu của từng lứa tuổi và chất lượng là phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Thực phẩm chúng ta nên chuẩn bị cho ngày nghỉ lễ có thể gồm:

Chất đạm là thịt, cá, trứng, sữa, đậu. Nên chọn thực phẩm tươi ngon như thịt lợn, bò, gà mới giết mổ; cá, tôm, cua còn sống hoặc ướp lạnh thì hãy còn tươi. Chất đường chỉ nên ăn các loại ngũ cốc thô như gạo mới giã, mới xay xát, ngô, khoai, sắn, đậu mới thu hoạch còn tươi. Chất béo chỉ nên dùng dầu thực vật như dầu vừng, dầu hướng dương để chế biến món ăn. Đặc biệt rất nên ăn chất béo từ cá, cua, hải sản vì rất có lợi cho sức khỏe. Vitamin và khoáng chất có nhiều trong rau, củ quả tươi. Nên chọn mua các loại rau củ quả có màu sắc theo ngũ hành nói trên: xanh gồm các loại rau xanh, trái cây có vỏ màu xanh như cam, chanh, bưởi, bơ, ổi…; đỏ: rau dền, cà chua, gấc, ớt, quả đào, táo…; vàng: cà rốt, khoai lang nghệ, bí đỏ, cam chín, quýt, đu đủ, chuối…; trắng: nấm kim châm, giá đỗ, rau cần, hành tỏi, quả lê, dưa lê, củ đậu, quả roi (bồng bồng)…; đen: đậu đen, nấm hương, mộc nhĩ, cà tím, hạt tiêu, quả bồ quân, nho, măng cụt… Các loại rau củ quả trên đây đã bao gồm 5 vị chua, cay, mặn, đắng, ngọt rồi.

Ăn uống hợp lý trong kỳ nghỉ lễ

Các món ăn cần chọn cách chế biến đơn giản, dễ làm, đảm bảo chín, ngon nhưng bảo tồn được các loại vitamin. Muốn vậy, chúng ta nên dùng các món luộc, hấp, nấu, cách thủy tốt hơn là các món xào, rán, nướng, rang.

Ăn theo định lượng: người lớn mỗi ngày chỉ cần ăn khoảng 500g gạo hoặc các loại lương thực khác quy ra gạo, chia làm 3 bữa, kết hợp với các thức ăn phụ như bánh trái, nước uống trái cây, dù là ăn ở nhà hay đi du lịch cũng chỉ nên ăn theo khẩu phần trung bình mới tốt cho sức khỏe.

Ăn nhiều chất xơ: nhìn chung các món ăn mặn chứa ít chất xơ như thịt, cá, giò chả… nếu ăn nhiều sẽ gây táo bón, gây ứ đọng lâu trong ruột làm cho cơ thể tăng hấp thu các chất độc hại. Vì vậy chúng ta cần tăng cường ăn chất thức ăn giàu chất xơ như ngũ cốc, rau, trái cây…

Những món nên hạn chế

Ngày lễ dù vui mấy bạn cũng nên hạn chế dùng các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, nước trà đặc vì sẽ bị mất ngủ mà hậu quả là thể chất bơ phờ, ủ dột, mất sức khỏe và niềm vui của bản thân và gia đình.

Dù là ngày thường hay ngày lễ, các món ăn như sữa, đồ ngọt, món chiên rán, các món ăn giàu tinh bột nếu ăn nhiều đều không tốt cho sức khỏe. Nhưng vào ngày lễ, mọi người thường ăn nhiều các món này. Sau đây là lời khuyên của bác sĩ giúp bạn hiểu rõ hơn vì sao nên hạn chế các món ăn này trong ngày nghỉ lễ.

Sữa là một thực phẩm tốt cho sức khỏe của mọi lứa tuổi, nhưng khi dùng không đúng cách, sữa có thể gây hại cho sức khỏe. Nếu uống nhiều sữa trong khi chúng ta đã ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng trong các bữa tiệc, có thể bị đầy bụng, thậm chí bị tiêu chảy. Do đó, trong những ngày nghỉ lễ, dù mải vui mà bỏ qua các bữa ăn thì bạn cũng đừng uống nhiều sữa.

Ăn uống hợp lý trong kỳ nghỉ lễ

Nên hạn chế đồ chiên rán

Thức ăn ngọt cũng cần hạn chế vì ăn ngọt sau bữa ăn sẽ làm giảm sự hấp thụ dinh dưỡng từ các loại thức ăn khác, đồng thời lại làm tăng lượng đường tích tụ vào cơ thể. Cơn tăng đường huyết rất dễ xảy ra.

Món chiên rán: tùy khẩu vị, món này được rất nhiều người ưa chuộng trong những ngày lễ, như thịt quay, thịt rán, cá rán… Nhưng nhiều nghiên cứu cho biết: các món chiên rán thường khó tiêu, lại có các gốc tự do không tốt cho sức khỏe. 

 

 

ThS. Phạm Thanh Xuân

(SKĐS)


Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook